Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10
Publish date 02/10/2019 | 07:42  | View count: 233230

Sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT; Rút ngắn thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an; Cán bộ mầm non được học cách quản lý cảm xúc; Lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài được vay ưu đãi tối đa 100% chi phí đóng theo hợp đồng; Cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất bị phạt đến 50 triệu đồng …là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10.

Sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT

Theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT), tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (tài sản kết cấu hạ tầng); các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho Hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Hai loại tài sản công khác được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10.

Rút ngắn thời hạn thực hiện nghĩa vụ công an

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 70/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân.

Theo đó, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an Nhân dân được rút ngắn xuống còn 24 tháng. Quy định hiện hành là 36 tháng.

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Với trường hợp chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, Nghị định nêu rõ: Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thời gian phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng (tính đến thời điểm dự thi), kết quả phân loại hằng năm đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong Công an nhân dân thì được xét, dự tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân theo quy định về tuyển sinh Công an nhân dân, tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/10.

Tốc độ tối đa của mô tô trong khu vực đông dân cư là 60 km/h

Có hiệu lực từ ngày 15/10, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40 km/h.

Tốc độ tối đa cho phép của mô tô trong khu vực đông dân cư là 60 km/h đối với đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên và 50 km/h đối với đường 2 chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Ở ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), mô tô được chạy với tốc độ tối đa 70 km/h đối với đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên và 60 km/h đối với đường 2 chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Thông tư cũng  quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ cụ thể của xe, về trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền quản lí và đặt biển báo tốc độ ở từng loại đường cụ thể.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Cán bộ mầm non được học cách quản lý cảm xúc

Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non có hiệu lực từ ngày 12/10.

Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non, kỹ năng sơ cứu trẻ em…

Đặc biệt, Thông tư nêu rõ, cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) phải tham gia học quản lý cảm xúc bản thân. Trong đó, vận dụng được kiến thức trang bị để xác định các hạn chế trong quản lý cảm xúc của bản thân và của các cán bộ quản lý trong cơ sở GDMN. Xây dựng được kế hoạch tự rèn luyện kĩ năng quản lý cảm xúc của bản thân và hỗ trợ cán bộ quản lý trong việc rèn luyện kĩ năng quản lý cảm xúc trong quản trị cơ sở GDMN…

Mỗi giáo viên phải tham gia chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

Cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất bị phạt đến 50 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 15/10, Nghị định số 71/2019/NĐ-CP  của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp nêu rõ:

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Các mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đưa hóa chất sản xuất trong nước hoặc hóa chất nhập khẩu vào sử dụng, lưu thông trên thị trường nhưng không thực hiện phân loại hóa chất theo quy định.

Đặc biệt, phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa là tiền chất công nghiệp vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp nhưng không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đã hết thời hạn.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài được vay ưu đãi tối đa 100% chi phí đóng theo hợp đồng

Từ 25/10, Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020 bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay vốn ở mức tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên, đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được nước ngoài chấp nhận vào làm việc…/.

Theo dangcongsan.vn