Ngày 23/7, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Công văn số 3714/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Cụ thể, Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ.
Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong; bố trí khu vực riêng điều trị bạch hầu, thực hiện tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh, không để lây nhiễm chéo sang những người mắc bệnh khác; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Triển khai tiêm phòng vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho người dân từ 49 tháng tuổi trở lên tại xã Quảng Hòa (Đắk Glong). |
Ngành Y tế chủ động lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi.
Ngành Y tế khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin bạch hầu theo Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, với ngôn ngữ phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số để cung cấp các thông tin cần thiết, các khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện và đưa các trường hợp nghi ngờ mắc đến ngay các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị.
Công tác tuyên truyền cần làm rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Theo Báo Đắk Nông điện tử