THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao
Ngày đăng 07/10/2020 | 09:09  | View count: 8264

Được tỉnh quan tâm với những chính sách đặc thù, nên so với đầu nhiệm kỳ, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, những năm qua, ngành Giáo dục đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới các cơ sở giáo dục từng bước được phân bổ hợp lý, đồng đều trên địa bàn. Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh DTTS đến trường.

Tỷ lệ học sinh DTTS đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên hàng năm trên 90%

Điển hình, Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí học tập và cấp sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và gia tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường hàng năm.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch-Đầu tư, riêng từ năm học 2016-2017 đến năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí lên đến gần 66 tỷ đồng. Trong đó, 57.980 lượt sinh viên được hỗ trợ kinh phí học tập với trên 18,6 tỷ đồng; 130.840 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ sách giáo khoa và vở viết, với kinh phí trên 47,3 tỷ đồng.

Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có trên 90% học sinh DTTS, được đầu tư đầy đủ các công trình vệ sinh, nước sạch

Cùng với đó, các nhà trường triển khai các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, tiếp bước học sinh đến trường. Điển hình như Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô), Trường THCS Quảng Hòa ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đều có trên 95% học sinh DTTS. Các trường đã kêu gọi, hỗ trợ học sinh được các bữa ăn trưa miễn phí ở trường và các loại quần áo, cặp, sách vở, bút, mực...

Chất lượng tăng lên

Cùng với hỗ trợ về vật chất, trường lớp, các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp, giúp học sinh DTTS tiếp cận chương trình học hiệu quả hơn. Học sinh mầm non và tiểu học được tăng cường Tiếng Việt. Tỷ lệ học sinh DTTS các cấp bỏ học theo đó giảm dần, góp phần quan trọng trong việc củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ nguồn huy động xã hội hóa, Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô) đã tổ chức được các bữa ăn miễn phí cho  học sinh DTTS

So với năm học 2015-2016, chất lượng giáo dục học sinh DTTS có sự chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ học sinh tại các trường dân tộc nội trú tốt nghiệp THPT tăng từ 95% lên 99,9%. Tỷ lệ học sinh đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên tăng từ 85% lên 90%. Tỷ lệ trẻ em DTTS 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non, có thể giao tiếp tốt đạt trên 94%.

Tỷ lệ học sinh DTTS cấp tiểu học được lên lớp tăng 4%. Bậc THCS có 91,9% học sinh DTTS đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên, gần bằng tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 7/8 trường dân tộc nội trú đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.

Hệ thống cơ sở vật chất các trường ở vùng dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư kiên cố

Rút ngắn khoảng cách về chất lượng

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục học sinh DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể như việc huy động học sinh ra lớp còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách đến trường xa, trong khi đường giao thông còn khó khăn.

Phần lớn học sinh DTTS ở vùng sâu vùng xa, di cư từ miền Bắc vào, không đủ điều kiện pháp lý để được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh và Trung ương. Học sinh bậc THCS và THPT thường do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Nhiều em lập gia đình ở tuổi vị thành niên...

Học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ hàng tháng như: sách, vở, gạo... (Ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh ở phường Quảng Thành, Gia Nghĩa)

Với thực tế đó, ngành Giáo dục đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Ngành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hơn các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục miền núi, nhất là học sinh bán trú ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Các cơ sở giáo dục tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh  DTTS cuối năm. Các nhà trường quán triệt, nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc tổ chức, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh DTTS. Ngành Giáo dục tích cực tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy chương trình môn tiếng DTTS.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử