TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 101/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 10/5/2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm "chống dịch như chống giặc" |
Sáng ngày 10 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, các đại biểu dự họp và ý kiến của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và ở các nước có chung đường biên giới với nước ta. Trong nước, dịch đã bùng phát trở lại, đây là đợt bùng phát dịch thứ 4, đợt dịch lần này lan rộng ra nhiều địa bàn, tốc độ lây lan nhanh hơn, kiểm soát khó hơn, ảnh hưởng dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng nhiều hơn.
Theo đánh giá chuyên môn, các chùm ca bệnh đợt dịch này đều liên quan đến 4 nguồn ban đầu là tại Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II, đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, 2 bệnh viện với 486 ca lây nhiễm được phát hiện. Đến nay đã khoanh vùng, cách ly được cơ bản các ổ dịch này. Trong những ngày tới có thể vẫn xuất hiện các ca dương tính, chúng ta tiếp tục kiên định các biện pháp đã được chỉ đạo thì sẽ kiểm soát được dịch. Để phòng, chống dịch hiệu quả thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu:
1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm "chống dịch như chống giặc", tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 540, 541 ngày 23/4/2021, số 570 ngày 2/5/2021 và các Thông báo số 81/TB-VPCP, số 82/TB-VPCP ngày 26/4/2021, số 89/TB-VPCP ngày 1/5/2021. Đặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ: Lãnh đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kiên quyết không để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả: Đối với cá nhân là thực hiện 5K, đặc biệt là phải bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; đối với cơ sở, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp,… là tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID, xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, kiên quyết đóng cửa các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn.
Áp dụng các biện pháp phòng dịch cơ bản như hạn chế dùng điều hòa, luôn để môi trường sinh hoạt, làm việc, sản xuất kinh doanh thông thoáng đặc biệt đối với nhà máy, xí nghiệp.
2. Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị phương án 30.000 người mắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu giường bệnh, sinh phẩm, trang thiết bị, oxy, thuốc,… cho từng địa phương để chuẩn bị theo tinh thần 4 tại chỗ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 13 tháng 5 năm 2021.
Chỉ đạo các địa phương khoanh vùng nhanh; lấy mẫu nhanh, xét nghiệm nhanh, công bố kết quả nhanh để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả; chỉ đạo việc nhập sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm nhanh, hiện đại; đồng thời so sánh, đánh giá, giữa phương pháp xét nghiệm mới với phương pháp Realtime - PCR, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia trước ngày 17 tháng 5 năm 2021.
Chỉ định các Viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật một số địa phương có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các tỉnh, thành phố chưa tự xét nghiệm khẳng định được trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cũng như các tỉnh chưa có hệ thống xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 phải thực hiện được xét nghiệm khẳng định, chấm dứt tình trạng chuyển mẫu nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 lên các cơ sở ở trung ương để khẳng định.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm trong điều kiện có dịch; chỉ đạo các địa phương không được để nợ đọng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.
4. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; thực hiện cách ly an toàn; khi có dịch thực hiện khoanh vùng gọn nhất có thể, trường hợp chưa xác định được thì khoanh vùng rộng hơn đồng thời tìm nguyên nhân để thu hẹp diện khoanh vùng.
5. Ngành y tế các cấp cần chủ động tham mưu để chính quyền cùng cấp quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, như việc xem xét dừng các hoạt động, dịch vụ có tập trung đông người trong môi trường kín như quán bar, karaoke, vũ trường, cơ sở massage,…
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm "chống dịch như chống giặc", tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; các trường hợp không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành cách ly khi nhập cảnh, không thực hiện nghiêm theo dõi y tế sau cách ly tập trung.
Rà soát các phương án, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu hơn theo phương châm 4 tại chỗ; khẩn trương thực hiện tiêm hết số vaccine được phân bổ, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. Lãnh đạo cấp tỉnh phải gương mẫu, đi đầu trong việc tiêm vaccine phòng dịch.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân phòng, chống tội phạm; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, tôn giáo, đoàn thể; huy động người có uy tín trong tôn giáo, trong cộng đồng để vận động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan./.
Theo chinhphu.vn