TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Một số giải pháp để phát huy tinh thần khởi nghĩa N’Trang Lơng trong thế hệ trẻ Đắk Nông ngày nay
Ngày đăng 24/05/2021 | 15:23  | View count: 18340

Trong lịch sử hàng nghìn năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu với những bước ngoặt lịch sử, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Những anh hùng ấy được nhân dân tôn vinh, sống mãi với thời gian; là tấm gương sinh động để giáo dục cho các thế hệ lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc.

Hồ Chí Minh đã từng khẳng định ‘lịch sử là pho tượng bằng vàng", cũng như Người đã từng nhắc nhở, giáo dục học sinh: "Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Với một đất nước đã trải qua nghìn năm lịch sử, nghìn năm văn hiến; trải qua những năm tháng không thể nào quên, làm nên những trang sử vàng, những kho tàng tư liệu lịch sử vô cùng quý giá. Nhưng để "pho tượng bằng vàng" hay thế hệ học sinh trên cả nước "tường gốc tích nước nhà", việc lưu giữ cũng như làm tái hiện lại lịch sử là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc vinh danh lịch sử và phát huy truyền thống trong thế hệ trẻ trên cả nước.

Trên mảnh đất Tây Nguyên, vị thủ lĩnh N'Trang Lơng trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp (1912-1936) đã trở thành biểu tượng cao đẹp. Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của đồng bào M'Nông, S'Tiêng, … dưới sự lãnh đạo của N'Trang Lơng có ý nghĩa lịch sử to lớn trong giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, thức tỉnh ý thức chính trị, …

Công lao của N'Trang Lơng thật to lớn, hình tượng N'Trang Lơng thật vĩ đại, hào hùng. Năm 1964, tại thủ đô Hà Nội, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bu Mêra - một trong những chiến thắng vang dội của phong trào khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của N'Trang Lơng. Nhiều nơi trong cả nước, một số thành phố, thị xã đã lấy tên ông đặt tên đường và trường học. Với tỉnh Đắk Nông, nơi nào cũng phảng phất dấu ấn cuộc khởi nghĩa chống Pháp của anh hùng dân tộc N'Trang Lơng: trên dãy núi Nâm Nung, núi Nâm Nir, dấu tích lịch sử bon Bu Nơr và đồn Bu Mêra thuộc huyện Tuy Đức, … Tất cả tạo thành một quần thể di tích lịch sử gắn liền với chiến công và tên tuổi anh hùng dân tộc N'Trang Lơng, là những địa điểm di tích có giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học và là cơ sở, động lực để giáo dục truyền thống yêu nước cũng như góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giới thiệu về tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của phong trào khởi nghĩa do N'Trang Lơng lãnh đạo, đã và đang nhận được những sự quan tâm, việc làm thiết thực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bằng nhiều hình thức: tổ chức Hội thảo khoa học về danh nhân lịch sử N'Trang Lơng (năm 2006); giới thiệu tại bảo tàng; kế hoạch dựng tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên; đưa nội dung về Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương để giảng dạy cho học sinh phổ thông; năm 2012, phát hành ấn phẩm lịch sử trước khi phát hành "Phong trào khởi nghĩaN'Trang Lơng (1912-1936)", tuyên truyền rộng rãi đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng (1912-2012); Xây dựng phim truyện truyền hình về Anh hùng dân tộc N'Trang Lơng, tác phẩm múa "N'Trang Lơng sức mạnh đại ngàn" , sáng tác trong văn học, thơ, âm nhạc; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về việc xây dựng tượng đài và hôm nay, sừng sững tại Gia Nghĩa là tượng đài N'Trang Lơng… Tóm lại, nhằm tạo nhiều con đường để tiếp cận với tuổi trẻ, giúp cho toàn dân nhận thức sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp anh hùng N'Trang Lơng và những chiến công oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, trong suốt chiều dài ¼ thế kỷ (từ năm 1912 đến năm 1936) do anh hùng N'Trang Lơng lãnh đạo, gắn liền với lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Từ đó, góp phần khẳng định những giá trị lịch sử to lớn, tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. 

Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh nên việc tổ chức tôn vinh đối với sự nghiệp của N'Trang Lơng còn hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc - giá trị của lịch sử.

Vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, phát huy tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ quê hương của các anh hùng, liệt sỹ, các vị tiền bối và nêu cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn", ngày nay, chúng ta cần phải chung tay góp sức để cùng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Để tinh thần khởi nghĩa N'Trang Lơng sống mãi với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của tỉnh Đắk Nông nói riêng, của đất nước Việt Nam nói riêng là nhiệm vụ đặc biệt, cần thiết, cấp bách được quan tâm và thực hiện bằng hành động của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trên địa bàn. Đây là công việc đòi hỏi phải có cơ sở, trí tuệ khoa học, có tấm lòng trân trọng và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo; là sự vào cuộc, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành; là một nhiệm vụ mang tính xã hội hóa cao, bằng những hình thức cụ thể, có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết giữa các hình thức đó.

Thứ nhất, phát huy bằng hình thức tuyên truyền, giáo dục: Các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về thân thế, sự nghiệp Anh hùng N'Trang Lơng thông qua các hình thức: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xuất bản cuốn sách "Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng (1912-1936), làm tài liệu chính thống về phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng nhằm tuyên truyền đến toàn bộ xã hội về cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng trên quê hương Đắk Nông, giáo dục sâu rộng trong tàng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc; xuất bản các sách báo, tranh ảnh cổ động; tổ chức thi sáng tác ca khúc, thơ văn; tổ chức các loại hình văn hoá - nghệ thuật với chủ đề về anh hùng N'Trang Lơng.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông đăng tải, mở chuyên mục, đưa tin kịp thời về các hoạt động liên quan đến việc vận động xây dựng Tượng đài N'Trang Lơng, những bài viết, chuyên đề về anh hùng N'Trang Lơng, về phong trào khởi nghĩa; những hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng (1912-2022); Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung về phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng vào trong nội dung lịch sử địa phương một cách nghiêm túc, hiệu quả. Giáo viên có thể kết hợp với những hoạt động về nguồn, tổ chức cho học sinh được tiếp cận với những địa điểm, di tích lịch sử gắn với phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng như: nơi gắn với những di tích lịch sử của phong trào như: bon Bu Nơr, đồn Bu Mêra, bia Henry Maitre… Bằng những hình thức trực quan sinh động đó, tinh thần, ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng được thế hệ trẻ tiếp thu và học tập tốt. Đồng thời, kết hợp với Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên và học sinh các cấp, lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia các cuộc thi về Anh hùng N'Trang Lơng và tự nguyện đóng góp Quỹ xây dựng tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên; tổ chức Đoàn, Hội, Đội đưa nội dung sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ, tọa đàm, hái hoa dân chủ, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng N'Trang Lơng vào sinh hoạt hàng tháng, phát động, tham gia tích cực cuộc thi tìm hiểu nhân kỷ niệm 110 năm phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng…

Thứ hai, đầu tư tôn tạo, lưu giữ những di tích lịch sử gắn với phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, hướng tới tình cảm trách nhiệm của cả nước đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng cùng chung tay góp sức xây dựng, thể hiện lòng tri ân và tôn vinh người anh hùng dân tộc Tây Nguyên.

Phát huy giá trị tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà. Bảo tàng tỉnh với việc phục dựng sa bàn một số trận đánh tiêu biểu phong trào khởi nghĩa, giới thiệu về văn hoá vật thể (thông qua trang phục, vũ khí của nghĩa quân N'Trang Lơng) và văn hoá phi vật thể (văn hoá cồng chiêng, dân ca, dân vũ…), góp phần thể hiện sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên. Nhằm tôn vinh người anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên, niềm tự hào của dân tộc trong tỉnh và của cả nước; giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của lịch sử dân tộc nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng tình cảm yêu quê hương đối với thế hệ trẻ. Vị trí, vai trò, hình tượng Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên được vinh danh là việc làm thiết thực để chúng ta hướng về cội nguồn, về cách mạng, về kháng chiến; tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hoá - lịch sử; là nhân tố quan trọng hướng con người đến đời sống tinh thần tốt đẹp. Phục dựng lại lịch sử về Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên, đây là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. 

Bên cạnh đó, chúng ta có thể phục dựng lại quá khứ hào hùng, lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào M'Nông ở Bảo tàng tỉnh, tạo nên hình tượng trực quan sinh động, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, căm thù giặc đối với thế hệ trẻ. Nhận thức rõ về tội ác của bọn thực dân xâm lược và ghi nhận những chiến công vang dội của nghĩa quân làm cho chúng ta càng thêm tự hào. Từ đó, thôi thúc các em học sinh, sinh viên, tuổi trẻ hôm nay phải cố gắng, quyết tâm bảo vệ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, để xứng đáng với những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Thứ ba, phát huy thế mạnh để phát triển ngành du lịch - văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên: cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc của cộng đồng các dân tộc cư trú trên địa bàn; cùng với những di tích lịch sử đã và đang được phục dựng, tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên kết hợp với Bảo tàng, tạo nên quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa, sẽ là một điểm nhấn trong tổng thể nền du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, thu hút khách tham quan du lịch khi đến với Đắk Nông; giúp du khách hiểu thêm về những trang sử hành hùng của dân tộc, những nét đặc sắc trong nền văn hoá, lịch sử của tỉnh nhà, quảng bá rộng rãi nền văn hoá lịch sử của tỉnh nhà với du khách, thu hút khách du lịch trong nước và các nước bạn. Qua đó, hướng đến phát triển ngành công nghiệp không khói, tăng nguồn thu cho địa phương thông qua các dịch vụ thương mại, du lịch …, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Du khách tham quan tại di tích lịch sử N'Trang Lơng


Khi những hoạt động tuyên truyền, giáo dục; phục dựng lại những di tích lịch sử gắn với phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng, đầu tư phát triển ngành du lịch, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, … được triển khai thực hiện, tổ chức tốt, hiệu quả cao sẽ góp phần trong việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng N'Trang Lơng, có ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công lao của vị Anh hùng dân tộc M'Nông và nghĩa quân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên của thế hệ trẻ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển dịch vụ du lịch để tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào M'Nông ở bon Bu Nơr và một số bon gần khu du tích. Từ đó, có thể khẳng định là tinh thần của khởi nghĩa N'Trang Lơng cách đây gần 110 năm sẽ mãi hiện hữu; thúc giục thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của tỉnh Đắk Nông ra sức phấn đấu, cống hiến trí tuệ, khả năng để xứng đáng với công sức của thế hệ cha anh đã không tiếc bao xương máu, hy sinh cho nền độc lập tự do; tiếp tục phát huy tinh thần của phong trào N'Trang Lơng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đưa tỉnh nhà cùng đất nước ngày một phồn vinh và phát triển.


Phạm Lục (BTGTU)