TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông đã từng bước đi vào thực chất và đạt kết quả tích cực, qua đó, thực hiện rõ nét chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Những kết quả về hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quy chế) và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Quy định), Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 40-KH/TU, ngày 2/4/2014, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Đại biểu tại đầu cầu Đắk Nông tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2020. Ảnh: Hoàng Hoài |
Thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đắk Nông tổ chức thực hiện được 223 cuộc giám sát. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát 21 cuộc với 9 nội dung tại 32 cơ quan, đơn vị. Ủy ban MTTQ huyện, thị xã, thành phố giám sát 84 cuộc với 20 nội dung, tại 62 cơ quan, đơn vị. Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn giám sát 118 cuộc với 35 nội dung, tại 115 cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý là có nhiều nội dung quan trọng được tiến hành giám sát như: Công tác tổng rà soát các đối tượng hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tình hình thực hiện quy định về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại 61 xã; việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại các xã, phường, thị trấn; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; việc bình xét hộ nghèo ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng đất đai của cơ quan nhà nước cấp huyện; các nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của Nhân dân thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; các công trình xây dựng giao thông nông thôn…
Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Nông tổ chức giám sát nhiều nội dung trọng yếu như: Công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động tại Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ; Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên; Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 4 cuộc giám sát về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại Công ty Cổ phần cao su Daknoruco, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá Long Huy, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng, Công ty TNHH Hồng Đức.
Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp với HĐND huyện, xã, thị trấn tổ chức giám sát 79 cuộc về việc thu, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của học sinh, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của HĐND, đồng thời thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên thông qua hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng, ban thanh tra nhân dân…
Cùng với việc giám sát, hoạt động phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ trương hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; cùng cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vụ việc nổi cộm, kéo dài, phức tạp.
Bài học kinh nghiệm
Qua triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Nông rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, phải có sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên; tăng cường phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, ủy viên ủy ban MTTQ các cấp, chuyên gia trên các lĩnh vực. Quan tâm các biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ Ủy ban MTTQ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện phản biện, giám sát, tránh dàn trải, không trọng tâm.
MTTQ các cấp bám sát vào quy định, quy chế và các hướng dẫn của Trung ương để triển khai, thực hiện đúng quy trình, đồng thời vận dụng linh hoạt cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và nội dung lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội. Các ý kiến, kiến nghị phải được chắt lọc, đúng và trúng; giải pháp đưa ra phải bảo đảm hiệu quả, tính khả thi, đồng thời phải theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sau giám sát, phản biện xã hội.
Cùng với thường xuyên lắng nghe dư luận xã hội, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, những vấn đề mà các tầng lớp Nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp, ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Từ năm 2016 đến nay, ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức được trên 150 cuộc họp góp ý, phản biện vào các dự thảo luật, nghị quyết, quyết định của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức được 25 cuộc họp; cấp huyện tổ chức được 28 cuộc họp; cấp xã tổ chức được 96 cuộc họp. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức phản biện, góp ý trực tiếp vào 568 văn bản dự thảo luật, dự thảo các nghị quyết, quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền, tham gia ý kiến vào dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với trên 1.000 lượt ý kiến. Qua đó, ủy ban MTTQ các cấp đề nghị điều chỉnh những chủ trương, chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận của Nhân dân. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử