TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Ấn Độ kêu gọi bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19
Ngày đăng 09/09/2021 | 14:49  | View count: 9451

Cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới hiện đang được giới khoa học theo dõi sát sao, các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ kêu gọi các bác sĩ cần bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19 gồm: giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da đối với các trường hợp nghi nhiễm.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 9/9 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 567.228 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 223.340.969 ca, trong đó 4.608.179 ca tử vong và 199.842.067 ca đã được chữa khỏi.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 140.586 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 41.372.385 ca, trong đó 670.904 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 43.406 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 33.138.856 ca, trong đó 441.782 ca đã tử vong.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 20.928.008 ca và số ca tử vong là 584.421 ca.

Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Anh với 7.094.592 ca, trong đó 133.674 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 38.975 ca.

Với 7.065.904 ca nhiễm, Nga theo sát Anh là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 189.582 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 18.024 ca nhiễm mới.  

 các thành viên lực lượng đăc nhiêm chống COVID-19 của Ấn Độ  kêu gọi các bác sĩ cần bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19 (Ảnh minh họa: AFP/VNA)

Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (71.977.063 ca), vượt xa châu Âu  (56.351.304 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 49.647.651 ca  và Nam Mỹ với 37.143.635 ca. Châu Phi (8.043.235 ca) và châu Đại Dương (177.360 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở khu vực châu Á, đặc biệt là sự nguy hiểm của nhiễm thể Delta, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... đều đưa ra quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Trong đó, Nhật Bản tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30/9. Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12/9.

Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Tết Trung thu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10.

Tại Ấn Độ, chính quyền các bang sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch trước thềm các lễ hội tôn giáo lớn, đồng thời cảnh báo thành phố Mumbai –thủ phủ tài chính của nước này- đang có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới. Dự kiến, các lễ hội lớn sẽ bắt đầu vào tuần này và thường thu hút nhiều người tham gia.

Cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới hiện đang được giới khoa học theo dõi sát sao, các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ  kêu gọi các bác sĩ cần bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19 gồm giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da đối với các trường hợp nghi nhiễm, qua đó nhanh chóng xác định đúng các đối tượng nghi mắc COVID-19 ngay cả khi họ không có triệu chứng phổ biến như ho, sốt, khó thở.  

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới.

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Theo Tiến sĩ Ryan, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người./.

Theo dangcongsan.vn