TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018
Ngày đăng 08/10/2018 | 16:33  | View count: 2822

Tăng cường công tác phân tích, dự báo; đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa; triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Chính phủ ban hành.

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tạo thế và lực tốt hơn cho đất nước vào những năm cuối nhiệm kỳ, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trong nước và thế giới, kịp thời có đối sách phù hợp; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân, tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong những tháng còn lại của năm 2018.

Tăng cường công tác phân tích, dự báo

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, kiên quyết không gia hạn, chuyển tiếp đối với các dự án giải ngân chậm tiến độ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp để đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư. Khẩn trương hoàn thành Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, bố trí vốn đầu tư trung hạn để cải tạo, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.

Bộ Tài chính có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo lộ trình, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước hợp lý. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán; điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Đánh giá kỹ tác động của các chính sách thuế mới, tạo đồng thuận xã hội. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại. Hướng dẫn sắp xếp lại, xử lý tài sản công đang còn vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP, đặc biệt là các cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; trường hợp cần thiết, đề xuất báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP cho phù hợp.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại

 Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án sản xuất công nghiệp quan trọng, tạo sức lan tỏa.

Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú trọng khâu chế biến, bảo quản, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chủ động phương án phòng, chống kịp thời, đặc biệt là đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng hơn nữa phát triển du lịch chất lượng cao, phấn đấu đạt chỉ tiêu đã đề ra về số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm chỉ tiêu về số lượng khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển du lịch.

Bố trí nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện

Bộ Y tế tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy.

Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tăng cường chỉ đạo các hoạt động thiết thực phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện; chỉ đạo tổ chức rà soát, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm. Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc   Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động Ngày vì người nghèo và Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"; đa dạng hóa biện pháp cai nghiện ma túy.

Bộ Tư pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện pháp luật tố tụng hành chính, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp hợp lý trong quá trình giải quyết các vụ kiện hành chính. Tăng cường theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị, trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương báo cáo giải trình tổng thể các vấn đề về sách giáo khoa mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm gửi đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, tránh tình trạng độc quyền. Khẩn trương giải trình, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường giải pháp phát huy sức mạnh của đội ngũ tri thức khoa học trẻ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các địa phương khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế.  

 Các địa phương chủ động rà roát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.  

Triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen"

Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen", siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tăng cường chỉ đạo kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc; khẩn trương ban hành kết luận sau thanh tra, nhất là những vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Triển khai và tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội khóa XVI tại kỳ họp thứ 6 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Bộ Ngoại giao tổng kết việc tổ chức Diễn đàn WEF ASEAN năm 2018, đề xuất phân công công việc của các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã ký tại Hội nghị này. Chuẩn bị tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ nay đến cuối năm.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế

 Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân; tăng năng lực cạnh tranh của các đô thị; coi khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng mới. Chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương, nhất là xây dựng khung pháp lý, quản lý hiệu quả các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt.

 Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, cơ quan thường trực là Văn phòng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Chính phủ điện tử theo phân công, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

 Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng phát triển công nghệ 4G/5G, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet kết nối vạn vật để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; phối hợp với Bộ Công an kiên quyết xử lý các trường hợp đưa thông tin xấu, độc, sai sự thật; tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử. Thúc đẩy thông tin, truyền thông tạo đồng thuận và niềm tin của xã hội, khát vọng dân tộc về một đất nước hùng cường.

Các bộ, ngành chủ động phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện bàn giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo đúng kế hoạch, bảo đảm hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.

Nhờ sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào thực chất hơn. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, chứng khoán phát triển ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 duy trì đà tăng cao, ước đạt 6,88%; 9 tháng ước đạt 6,98%, cao nhất so với cùng kỳ trong 7 năm qua.

Theo chinhphu.vn