TIN NỔI BẬT

Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
Ngày đăng 06/01/2022 | 16:15  | View count: 7071

Sáng 6/1/2022, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước nhằm Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng tham dự.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhờ sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính – NSNN.

Theo đó, thu NSNN đạt mức cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 2 (tháng 10, 11/2021), với tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5%GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương (NSTW) ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 128,2% dự toán.

Tổng chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và 28,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng cộng là 74 nghìn tỷ đồng (trong đó, trung ương đã chi 26,3 nghìn tỷ đồng, các địa phương đã chi từ NSĐP 47,7 nghìn tỷ đồng).

Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã điều hành đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, như: Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; phát triển đồng bộ thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công...

Ngành Tài chính cũng đề ra mục tiêu năm 2022: Dự toán thu là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: thu nội địa chiếm 83,35%; thu dầu thô chiếm 2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1%; thu viện trợ chiếm 0,55%. Chi NSNN dự toán năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN 4% GDP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước. Để đạt được kết quả đề ra trong năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính phải bám sát chủ đề của năm đã được Chính phủ xác định là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; đồng thời tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách TC-NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành Tài chính được giao trong năm 2022.

M.L