TIN NỔI BẬT

Đồng chí Phạm Hùng – Người chiến sĩ cộng sản trung kiên
Ngày đăng 13/06/2022 | 08:27  | View count: 8658

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Phạm Hùng – từ người thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản tiêu biểu

Đồng chí Phạm Hùng (1912-1988) thuộc lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu và là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, tài đức vẹn toàn, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1928, khi 16 tuổi, người thanh niên yêu nước Phạm Hùng bắt đầu hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Dưới sự dẫn dắt của chi bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Mỹ Tho, anh nhận thức rõ rằng, chỉ có làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, đi tới xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì dân ta mới có ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự. Đó là một cuộc cách mạng của toàn dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo - một cuộc cách mạng lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh nhưng là cuộc cách mạng triệt để nhất xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc và nhất định thắng lợi. Với nhận thức mới mẻ đó, tinh thần yêu nước của người thanh niên Phạm Hùng đã có bước chuyển biến quan trọng từ yêu nước truyền thống đến yêu nước trên lập trường của giai cấp vô sản - một bước chuyển về chất trong lập trường tư tưởng của đồng chí Phạm Hùng.

 Thực tiễn phong trào cách mạng đã tôi luyện đồng chí Phạm Hùng trưởng thành, đã xây dựng cho đồng chí một niềm tin khoa học sắt đá vào con đường cách mạng và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Vừa học tập, đồng chí vừa lao vào hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai trên lập trường yêu nước mới. Đồng chí tiến bộ rất nhanh, năm 1930, được kết nạp Đảng, làm Bí thư Chi bộ trường học - một trong những bí thư chi bộ đầu tiên của Tỉnh đảng bộ Mỹ Tho; năm 1931, được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Đang lãnh đạo phong trào nhân dân sôi nổi chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt vào ngày 2/6/1931 tại Mỹ Tho, bị tòa án thực dân đưa ra xét xử và bị giam giữ ba năm (1931-1933). Sau đó, do những hoạt động đấu tranh cách mạng trong tù, đồng chí tiếp tục bị điều tra, tra tấn và bị kết án tử hình trong "vụ án những người cộng sản" nổi tiếng ở Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) lúc bấy giờ.

 Đồng chí Phạm Hùng thăm và làm việc với trại cải tạo K20 Bến Tre năm 1982.

Ảnh tư liệu.

Luôn giữ vững chí khí, kiên trung trước mọi đòn roi tra tấn, gian khổ lao tù

Những ngày tháng đầu tiên sa vào tay giặc, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện rõ bản lĩnh, chí khí, những phẩm chất của một người cộng sản kiên trung. Dù với những đòn roi cực hình tra tấn dã man nhất, nhưng thực dân Pháp không lấy được lời khai nào của đồng chí về phong trào và cơ sở cách mạng; mà ngược lại, trong nhà tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc và chế độ thực dân tàn bạo. Sau hơn bảy tháng giam cầm, thực dân Pháp đưa đồng chí ra xét xử ở phiên tòa đề hình ở Sài Gòn ngày 11/1/1932, dù không có bất kỳ chứng cớ gì, tòa án thực dân vẫn kết án đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Trong tù, đồng chí tiếp tục tổ chức tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và phong kiến tay sai. Kẻ thù cho rằng lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân lúc này là đồng chí Phạm Hùng, chúng đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân và bắt đồng chí tống giam vào xà lim. Một tuần sau, vào ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình xét xử "những người chống lại an ninh công cộng", kết án tử hình đồng chí.

Đối mặt với án tử hình không hề làm nhụt chí đấu tranh của người cộng sản trẻ tuổi, ngược lại, đối với đồng chí Phạm Hùng giữa cái sống và cái chết vẫn ung dung, tự tin nghĩa hiệp. Sau phiên tòa, thực dân Pháp đưa đồng chí về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn; lúc này trong xà lim án chém cùng có ba người tù thường phạm cũng bị kết án xử tử đang tuyệt vọng và hung hãn. Bằng cách sống và niềm tin của mình, đồng chí Phạm Hùng đã lựa lời khuyên giải và vạch rõ ngọn nguồn tội lỗi của họ chính là chế độ thực dân Pháp, đánh thức những gì dù chỉ là một chút mong manh tốt đẹp trong sâu thẳm đáy lòng của họ. Đồng chí còn dạy chữ cho họ, thông qua chữ nghĩa và những tích chuyện dân tộc để gợi lên ý nghĩa cuộc sống cho họ. Niềm tin và sự tận tụy của người cộng sản đã được đền đáp xứng đáng khi những người tử tù thường phạm trước đây như những con thú hung hãn thì khi lên máy chém đã ung dung đĩnh đạc như một chiến sĩ cách mạng thực thụ. Trên đường ra pháp trường, họ bình tĩnh gửi lời chào vĩnh biệt: "Anh Hùng ơi, chúng nó đem chém tôi đây. Các anh ở lại mạnh khỏe" và trước khi trút hơi thở cuối cùng họ còn đĩnh đạc hô to: "Đả đảo thực dân Pháp", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm".

Trước cuộc đấu tranh cách mạng sục sôi của nhân dân ta, của nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản đòi ân xá "10.000 tù chính trị phạm ở Đông Dương", đặc biệt đòi bỏ mười mấy án tử hình, đã làm cho thực dân Pháp phải chùn tay. Đồng chí Phạm Hùng và một số đồng chí khác được giảm án từ tử hình xuống khổ sai chung thân và bị đày đi Côn Đảo từ ngày 17/1/1934. Từ đây, đồng chí bắt đầu cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, với niềm tin và nghị lực của người cộng sản đối chọi với bộ máy bạo lực to lớn và tàn bạo của bọn thực dân xâm lược thống trị.

Sống trong cảnh tù đày vô cùng tàn bạo ở "địa ngục trần gian" Côn Ðảo, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Ðảo, nhiều năm làm Bí thư Ðảo ủy, đồng chí cùng Chi bộ tù nhân cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản để nâng cao nhận thức của tù nhân và tuyên truyền giác ngộ binh lính, cai tù, giám thị. Ðồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay cho đồng chí của mình. Với Phạm Hùng và các chiến sĩ cách mạng không phải chỉ có đấu tranh giành sự sống để tồn tại mà để bảo tồn lực lượng, để trở về trong hàng ngũ cách mạng. Vì vậy sự lãnh đạo của chi bộ nhà tù Côn Đảo thực sự là cuộc tổ chức, chỉ huy đấu tranh và chiến thắng từng âm mưu của địch. Chúng muốn dùng sự tàn bạo làm thối chí của người cách mạng, thì đồng chí Phạm Hùng cùng chi bộ nhà tù liên tục tổ chức học tập văn hóa, học tập lý luận, nâng cao trình độ, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng. Chúng muốn tù nhân chết chìm trong tối tăm trầm uất, thì đồng chí cùng các chiến sĩ cách mạng lại thường xuyên tổ chức được những hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ phong phú, những buổi biểu diễn nghệ thuật làm thức tỉnh lương tâm cả những người trong bộ máy nhà tù tàn ác. Chúng muốn dùng những người tù Quốc dân đảng, những người tù thường phạm "bất trị" để diệt những chiến sĩ tù cách mạng, thì bằng lý luận và thực tiễn mà đồng chí cùng những đảng viên cộng sản đã giác ngộ, thức tỉnh họ đi về con đường chính nghĩa của dân tộc. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét: "Giữa cảnh xô bồ mà mạng sống con người có khi đo bằng một chỗ ngả lưng hay một chén cơm gạo mục, Phạm Hùng đã vượt qua mọi thách đố, hơn thế nữa là người sẵn sàng sống chết với tinh thần nghĩa hiệp, che chở cho đồng chí, che chở cho người yếu đuối. Chính môi trường này làm bật sáng khí phách của một Phạm Hùng, dám đưa lưng ra đỡ đòn cho bè bạn một cách dứt khoát đến nỗi bọn cai ngục phải nể sợ. Bác Tôn Đức Thắng trong hồi ký của mình, tỏ rõ lòng khâm phục cái dũng cao ngất của Phạm Hùng".

Thượng tướng Cao Đăng Chiếm có thời gian làm Phó Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc mà đồng chí Phạm Hùng là Giám đốc, đã viết về đồng chí Phạm Hùng: "Khi anh bị đày ra Côn Lôn, kiên cường đấu tranh chống chế độ hà khắc, chống khủng bố, thường đưa lưng đỡ đòn cho anh em tù ốm yếu. Anh giỏi võ, trừng trị bọn tù du côn hiếp đáp những người tù khác... Mỗi người nói một kiểu, nhưng đều trầm trồ thán phục, ca ngợi anh…" , chung nhận xét anh Phạm Hùng là người có nghĩa khí, mưu lược, vũ dũng, trung thực.

Trải qua gần 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến "địa ngục trần gian" Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người chiến sĩ cộng sản có "dạ sắt, gan đồng". Đồng chí đã thể hiện tấm gương một chiến sĩ cộng sản có "tinh thần thép", hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, nghĩa hiệp với đồng chí và bạn tù. Bất chấp gông cùm và những đòn tra tấn của nhà tù đế quốc, đồng chí luôn bền gan chiến đấu, thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực phi thường, trở thành biểu tượng của ý chí cách mạng của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước trong hòa bình. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.

Sau gần 15 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc (từ năm 1931 đến năm 1945), sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Đồng chí được bầu vào Xứ uỷ lâm thời Nam bộ, đến đầu năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam bộ). Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu Nam Bộ Thành Đồng.

 Đồng chí Phạm Hùng trò chuyện với các thầy, cô giáo và học sinh dự thi quốc tế

các môn Nga văn, toán và vật lý ngày 17-9-1987. Ảnh tư liệu.

Với tài năng và uy tín của mình, đồng chí đã xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến và kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn trương và quan trọng. Tính chất phức tạp trong nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ xuất hiện từ sau Cách mạng tháng Tám đòi hỏi cần phải xây dựng một lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ Nhân dân, đồng thời loại trừ các phần tử cả mật thám lẫn tình báo của địch; tổ chức tiêu diệt những phần tử ác ôn gây tổn thất cho Đảng và có nhiều nợ máu với Nhân dân. Những chiến công của lực lượng công an Nam Bộ làm cho kẻ thù khiếp sợ, Nhân dân yêu mến và tuyệt đối tin tưởng, che giấu, giúp đỡ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (l/1950), dự thảo Đề án Công an nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày đã được Hội nghị nhất trí thông qua; những nội dung được đề cập trong Đề án đã trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sau này.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam; là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (3/1952). Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp, củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, từng bước tạo ra thế và lực đưa cuộc kháng chiến của quân dân miền Đông phát triển lên đỉnh cao, góp phần phối hợp với chiến trường chính buộc địch phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Tháng 9/1954, Trung ương Đảng họp và khẳng định nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc chưa hoàn thành cuộc đấu tranh cứu quốc và điều chỉnh phương châm đấu tranh, bảo đảm việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ…; đồng chí Phạm Hùng được phân công làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến ở Nam Bộ, Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế ở Sài Gòn có nhiệm vụ giám sát và đấu tranh buộc đối phương thi hành Hiệp định ở vùng Nam Bộ.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tổ chức tiến hành chiến tranh Nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công – nông – trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; góp phần to lớn tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi.

Ngày 29/4/1958, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I đã bầu đồng chí Phạm Hùng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đã dành hết tâm trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo lĩnh vực phát triển kinh tế, trực tiếp đi cơ sở động viên các phong trào sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh tế; kiểm tra, chỉ đạo thực tiễn ở địa phương; chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản điều hành kinh tế vĩ mô và tổ chức các nhiệm vụ phát triển trên các mặt trận kinh tế – xã hội đạt những thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện, làm cơ sở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.

Năm 1967, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968). Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên khắp miền Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri.

Từ cuối năm 1968 đến tháng 4/1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam trên cả ba vùng chiến lược. Tháng 4/1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí, vượt qua gian khổ và ác liệt của đạn bom, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ, thu non sông Việt Nam về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí chú trọng xây dựng đạo đức người công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.

Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế, làm cho đất nước ta suy yếu để đi tới lật đổ chính quyền cách mạng. Sự nghiệp đổi mới bắt đầu vừa phải giải quyết vấn đề nhận thức thế nào là đổi m ới, vừa phải tổ chức điều hành giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc của thực tiễn. Nhiều vấn đề cấp bách được đặt ra như: Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, từ sự vận hành các thành phần kinh tế đến vấn đề phân phối lưu thông, vấn đề thiếu thốn hàng hóa lương thực, thực phẩm... Trách nhiệm to lớn và nặng nề này trước hết đặt lên vai người đứng đầu Chính phủ lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng phải gánh vác, chèo lái. Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: "Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân".

Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển.

Trong bối cảnh đang giải quyết bộn bề công việc, trong một chuyến công tác ở các tỉnh Nam Bộ, trực tiếp chỉ đạo thu mua và vận chuyển lương thực để giải quyết tình trạng thiếu lương thực gay gắt ở một số địa phương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã đột ngột từ trần (năm 1988).

Với 76 tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng không một ngày ngơi nghỉ, đồng chí Phạm Hùng đã nêu tấm gương sáng ngời về một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất - Người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời cống hiến vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân. Học tập tấm gương kiên trung, bất khuất của đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học một nhân cách lớn về ý chí cách mạng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không dao động, không chùn bước trên con đường đã chọn…/.
Theo dangcongsan.vn