TIN NỔI BẬT

Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 23/10/2022 | 07:06  | View count: 16376

Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, phù hợp với Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội khoá XV và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bon, buôn, bản nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đảm bảo đồng bộ đáp ứng yêu cầu của người dân; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm an ninh nông thôn. Ngày 18/10/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký Quyết định số 1700/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, như sau:

Phấn đấu có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt từ 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

Phấn đấu có thêm ít nhất 2-3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 30% trong đó trên 10% từ hệ thống cấp nước tập trung;

Tỷ lệ hộ dân nông thôn có công trình thu gom nước thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh 30%;

Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 35%;

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đảm bảo quy định đạt 80% trở lên;

Tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế đạt từ 93% trở lên;

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm

Bình quân mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Đề án xác định 04 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 16 tháng 12 năm 2021 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nhóm nhiệm vụ thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới.

Nhóm thực hiện các Chương trình trọng điểm.

Nhóm nhiệm vụ các khâu đột phá.

Đưa ra 08 giải pháp chủ yếu để thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, giải pháp về quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch.

Thứ hai, giải pháp về đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, giải pháp về cơ chế, chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, giải pháp về khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, giải pháp về kết nối nông thôn với phát triển đô thị.

Thứ sáu, giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực.

Thứ bảy, giải pháp về tổ chức bộ máy và giám sát.

Thứ tám, giải pháp về giữ gìn an ninh, trật tự nông thôn.

Tổng nhu cầu nguồn lực thực hiện Đề án khoảng 103.488,978 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao:

Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển khai, thực hiện Đề án; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án.

Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan căn cứ các nhiệm vụ đã được phân công để tổ chức triển khai, thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh) để tổng hợp theo quy định.

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh) để tổng hợp.

        Tiến Đạt