TIN THẾ GIỚI

Dấu ấn tín dụng ưu đãi
Ngày đăng 22/08/2022 | 16:29  | View count: 33274

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, nguồn vốn tín dụng đã góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông.

Hơn 56.424 hộ thoát nghèo

Về thôn 7, xã Đắk Wil (Cư Jút), hỏi ai cũng biết đến gia đình bà Mai Thị Duyên. Gia đình bà không những có tiếng về làm kinh tế giỏi, mà các con của bà còn học hành bài bản, có công ăn việc làm ổn định.

Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình bà Mai Thị Duyên, xã Đắk Wil (Cư Jút) đã đầu tư, phát triển cây ăn quả, cho thu nhập khá ổn định

Theo bà Duyên, có được thành quả như ngày hôm nay, trước đó, gia đình bà đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trong quá trình đó, gia đình bà may mắn được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) từ rất sớm, vào những năm 2004.

"Lúc đó, gia đình vay được 5 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Số tiền 5 triệu lúc đó to lắm. Có vốn, gia đình tôi tập trung vào trồng trọt, đặc biệt là các cây ăn quả", bà Duyên phấn khởi cho biết.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Song thăm mô hình trồng rau công nghệ cao của người vay vốn 

Cũng theo bà Duyên, nhờ chăm chỉ làm ăn, từ đồng vốn ban đầu, bà đã có thêm nhiều khoản thu nhập, tích góp để trả lãi, nợ ngân hàng theo quy định. Sau này, NHCSXH tạo điều kiện cho gia đình bà vay thêm nhiều chương trình khác nhau. Hiện nay, gia đình đang vay NHCSXH ở 3 chương trình, với nguồn vốn hơn 110 triệu đồng.

"Phần lớn, nguồn vốn được gia đình đầu tư vào phát triển kinh tế. Nguồn vốn không những giúp chúng tôi thoát nghèo, mà con cái được học hành đến nơi, đến chốn", bà Duyên chia sẻ.

 

Cũng được vay nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình chị Lương Thị Hoài Thương, thôn 15, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) ngày càng có cuộc sống ổn định hơn. Năm 2018, gia đình chị Thương khởi nghiệp với mô hình nuôi bò vỗ béo. Ban đầu, nguồn vốn chưa nhiều, chị chỉ mua được 4 con bò giống. Tận dụng nguồn phân bò, với 2 sào đất trắng, chị triển khai trồng thêm 2 sào su su. Sau hơn 2 tháng trồng, vườn su su đã cho thu nhập đều đặn.

Bên cạnh đó, nhận thấy mặt hàng chanh vắt nước được người dân sử dụng nhiều, chị đã tận dụng đất trống dưới tán cà phê, để đầu tư trồng thêm 400 gốc chanh. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", từ nguồn thu nhập này, cộng với nguồn vốn tích góp của gia đình, chị đã mua thêm bò giống về vỗ béo. Sau gần 2 năm, đàn bò phát triển thuận lợi. Đến nay, trong chuồng của gia đình chị luôn duy trì gần 20 con bò.

 

"Mỗi năm, nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi bò và các loại cây trồng tầm trên dưới 200 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, gia đình thoải mái trang trải cuộc sống, cũng như chăm lo cho con cái học hành", chị Thương chia sẻ.

 

Giai đoạn 2004-2022, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 56.424 lượt hộ thoát nghèo; 26.770 lao động được tạo việc làm. Toàn tỉnh có 40.490 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 2.830 ngôi nhà cho các đối tượng được xây mới. Hơn 133.280 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được sửa chữa, xây dựng.

 

Ưu tiên vốn cho vùng nhiều khó khăn

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, thực hiện Nghị định 78, đến nay, đơn vị đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách khác nhau, tăng 15 chương trình so với năm 2004.

Quy mô chương trình tăng, đồng nghĩa nguồn vốn tín dụng tăng lên hàng năm. Đến hết tháng 6/2022, dư nợ tín dụng ưu đãi tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh trên 3.527 tỷ đồng, tăng hơn 3.520 tỷ đồng so với năm 2004.

Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội để đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Đắk Nông là địa bàn có kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Đời sống người dân còn nhiều vất vả, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao như: Đắk Glong, Tuy Đức.

 

Với đặc thù này, đơn vị luôn ưu tiên nguồn vốn cho những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tỷ trọng nguồn vốn ưu đãi toàn chi nhánh, riêng dư nợ cho vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chiếm gần 1.500 tỷ đồng. Trên địa bàn có gần 38.740 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, với dư nợ hơn 1.130 tỷ đồng. Điều này minh chứng rằng, nguồn vốn cho các đối tượng yếu thế luôn được Chi nhánh ưu tiên.

"Khi có nguồn vốn, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh rà soát, bình xét. Quá trình bình xét, cho vay được chính quyền cấp cơ sở thực hiện công khai, minh bạch", ông Hòa khẳng định.

 

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đắk Nông chỉ còn 11,19%, giảm 44,81% so với năm 2004. Toàn tỉnh có 35/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, Đắk Nông đã thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo, kém phát triển.

Theo ông Đào Thái Hòa, để có được kết quả này, trong quá trình thực hiện nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng phối hợp với 4 tổ chức hội nhận ủy thác, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên kiểm tra, giám sát quá trình trước, trong và sau khi cho vay vốn. Đến nay, nguồn vốn ủy thác qua 4 tổ chức hội chiếm trên 99,7% dư nợ toàn Chi nhánh.

Các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc, cùng rà soát, bình xét, tạo thuận lợi cho nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. "Ngoài phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi còn bổ sung các đoàn cán bộ xuống cơ sở tăng cường công tác giám sát. Những vi phạm trong quá trình vay sẽ được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời", ông Hòa nhấn mạnh.

Nông dân huyện Đắk R'lấp vay vốn phát triển cây sầu riêng

Cũng theo ông Hòa, để giúp người dân tiếp cận vốn vay, NHCSXH luôn đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng "làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã". Đến nay, đơn vị đang triển khai 71 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Hơn 1.580 tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, bon, buôn, tổ dân phố là cầu nối giúp NHCSXH trong việc thực hiện hiệu quả tín dụng ưu đãi tại cơ sở.

"Chúng tôi thường xuyên cải tổ phương thức làm việc để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Chỉ mất từ 3-5 ngày là người dân đã nhận được vốn vay từ NHCSXH", ông Hòa cho biết.

Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Song giao dịch với người dân xã Nâm N'Jang

Nguồn vốn giải ngân kịp thời, hàng chục ngàn hộ dân nghèo, các đối tượng chính sách khác được đáp ứng nhu cầu. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định ngày càng được nhân rộng. Từ đây, chất lượng tín dụng ưu đãi tại cơ sở không ngừng nâng lên. Đến tháng 6/2022, tỷ lệ nợ quá hạn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh chiếm 0,15% tổng dư nợ, giảm 2,65% so với năm 2004.

Đánh giá về chất lượng tín dụng tại NHCSXH tỉnh, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy, hoạt động của NHCSXH rất hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước.

"Chất lượng tín dụng rất tốt. Đây là một trong những đơn vị có chất lượng tín dụng tốp đầu trong hệ thống các tổ chức tín dụng đóng chân trên địa bàn Đắk Nông", ông Minh khẳng định.

 

Tiếp tục đồng hành với người dân

Đắk Nông là một tỉnh đang còn nhiều khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định: "Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững. Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên".

Nông dân huyện Đắk Song được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để đầu tư cây nhãn

Để hoàn thành mục tiêu này, NHCSXH tỉnh tiếp tục đồng hành với địa phương trong quá trình phát triển. "Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên tối đa về nguồn vốn để tỉnh thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định.

Cũng theo ông Hòa, hàng năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tích cực tham mưu cho Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho địa phương. Đơn vị sẽ tích cực tham mưu địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách ủy thác. Nguồn vốn Trung ương hòa cùng với nguồn vốn địa phương sẽ đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của người dân trên địa bàn.

 

Trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Lê Văn Chiến cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, kiểm tra, giám sát các hoạt động của NHCSXH, bảo đảm nguồn vốn của ngân hàng xuống tận tay đúng đối tượng.

"Chúng tôi vận động các huyện, thành phố, tăng cường vốn ủy thác qua ngân hàng. Việc vận động Trung ương tăng cường nguồn vốn ưu tiên cho tỉnh sẽ được chúng tôi chú trọng. Nguồn vốn sẽ tập trung vào đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ", ông Chiến nhấn mạnh.

 

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trên địa bàn Đắk Nông có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Từ đây, công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Điều này một lần nữa khẳng định sự ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử