TIN THẾ GIỚI

Đồng chí Lê Duẩn - tư duy sáng tạo tại các bước ngoặt lịch sử
Ngày đăng 09/04/2017 | 16:04  | View count: 3569

“Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”; “Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng” - những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Với phong cách tư duy đó, đồng chí Lê Duẩn cùng Trung ương Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới cả trong lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

 

1. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng chí Lê Duẩn tán thành chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng: Tạm gác vấn đề ruộng đất, chỉ đưa ra khẩu hiệu Tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội dân tộc; thay khẩu hiệu Thành lập chính quyền xô viết công - nông - binh bằng khẩu hiệu Lập chính quyền cộng hòa dân chủ; tập trung mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào đế quốc và tay sai để tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong khối đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, v.v, tất cả để "Dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc"(1). Đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng tạo sự chuyển hướng chiến lược trong đường lối của Đảng trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình, trước nguy cơ chiến tranh khốc liệt lan rộng do chủ nghĩa phát-xít gây ra với thế giới nói chung và với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự nhạy bén, sáng tạo đó đã được Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì - khẳng định và phát triển lên một tầm cao mới, chỉ dẫn con đường đi tới mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, kết thúc bằng thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), đồng chí Lê Duẩn ở lại miền nam tiếp tục chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi hòa bình, hiệp thương thống nhất đất nước. Trong những năm tháng quyết liệt, với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn đấu tranh của một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền nam (tháng 8-1956).

Đề cương cách mạng miền nam đã phân tích đúng đắn âm mưu, thủ đoạn của địch, tính chất xã hội miền nam, khẳng định: "ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền nam không có con đường nào khác"(2)Đề cương cách mạng miền nam đã có những đóng góp lớn cho sự ra đời của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959). Bản Nghị quyết lịch sử đã trực tiếp thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng miền nam phát triển sang một giai đoạn mới, đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc Đồng khởi (1959-1960) rộng khắp miền nam. Thắng lợi đó cũng khẳng định một thành công lớn của Đảng về phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng, một sự khởi đầu chiến tranh cách mạng độc đáo, kịp thời, phù hợp với tình hình.

Khi đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền nam, sự phân tích toàn diện và đúng đắn những điểm yếu, điểm mạnh, những âm mưu và khả năng, những ý đồ và thủ đoạn của đối phương cho phép đồng chí Lê Duẩn kết luận một cách bình tĩnh và tự tin rằng Mỹ không mạnh như người ta tưởng, nhân dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ được xác định trên sự phân tích đúng đắn ấy. Quyết tâm độc lập thống nhất cháy bỏng từ truyền thống đến hiện tại, ý chí kiên cường bất khuất của toàn quân toàn dân ta từ Bắc chí Nam, sức mạnh chính nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta đã vượt qua tâm lý sợ Mỹ, vượt qua những lo ngại khi cho rằng đối đầu với Mỹ, đánh Mỹ là phiêu lưu mạo hiểm.

Đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đã dự kiến đúng khả năng Mỹ đưa quân vào miền nam, chuyển chiến lược từ "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ".

Tháng 11-1965, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: "Khả năng kiềm chế địch và thắng địch ở miền nam là hiện thực". Đó là cơ sở để Đảng ta hình thành quan điểm: Cương quyết đánh Mỹ trên chiến trường nhưng không quốc tế hóa cuộc chiến tranh, ngăn chặn chiến tranh lan rộng.

Những nhận định quan trọng này là cơ sở để đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị hạ quyết tâm và quyết định phương hướng cho quân dân cả hai miền nam - bắc tiến lên từng bước đẩy quân Mỹ vào thế sa lầy trên chiến trường Việt Nam.

2. Những sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn đặc biệt nổi rõ trong việc tìm tòi xác định phương pháp đúng đắn để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đó là quan điểm tổng hợp.

Vận dụng tổng hợp các quy luật cách mạng trong lãnh đạo chiến tranh, gắn những mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa tư tưởng trong một thể thống nhất, tác động chi phối lẫn nhau; tạo cho được một sức mạnh tổng hợp lớn hơn để đánh thắng đối phương. Quan điểm này đã được vận dụng nhuần nhuyễn trên chiến trường miền nam với một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, với ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy: thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, v.v. Tích cực thực hiện điều đã được đồng chí Lê Duẩn nêu từ những ngày đầu xác định quyết tâm và phương pháp đánh Mỹ, quân dân miền nam đã chiến thắng trên cả ba mặt: tiêu diệt lực lượng quân sự, đánh bại chiến lược quân sự và làm thất bại mục đích chính trị của chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Đó là luận điểm biết cách thắng từng bước cho đúng.

Kẻ địch của chúng ta có một tiềm lực quân sự và kinh tế rất hùng mạnh. Chúng ta phải chiến đấu trong tình thế lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều nên phải biết cách thắng từng bước; phải có thời gian từng bước làm suy yếu lực lượng của địch, củng cố bồi dưỡng dần lực lượng của ta để so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Mặt khác chúng ta quyết tâm thắng Mỹ ở miền nam nhưng phải góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ miền bắc, nên điều rất quan trọng là phải biết thắng địch một cách có lợi nhất, phải đẩy lùi địch từng bước, đánh thắng địch trên từng vị trí, buộc địch phải xuống thang chiến tranh từng bước cho đến lúc phải chấp nhận thất bại hoàn toàn.

Đó là sự nhạy bén phát hiện, nắm bắt thời cơ, tạo những bất ngờ.

Những cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh đều gắn liền với sự nhạy bén, sắc sảo trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chinh trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn - từ lựa chọn thời điểm tiến công, hướng tiến công chủ yếu, cách thức tổ chức tiến công gây bất ngờ cho địch, đẩy quân địch vào thế bị động, lúng túng đối phó rồi thất bại, v.v.

Tháng 10-1974, trong Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã nhận định: "Lúc này chúng ta đang có thời cơ". "Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay"(3).

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo để tiến lên tạo và giành lấy thời cơ cuối cùng kết thúc chiến tranh một cách kịp thời, trọn vẹn và có lợi nhất.

Sự nhạy bén, chính xác, kịp thời nắm bắt thời cơ chiến luợc đã thể hiện rõ một nhãn quan sáng suốt, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.

*

"Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo"; "Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng" - những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Với phong cách tư duy đó, đồng chí Lê Duẩn cùng Trung ương Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới cả trong lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn Việt Nam bao giờ cũng là điểm xuất phát của sự vận động tư duy của đồng chí Lê Duẩn. Cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn để phát hiện ra quy luật và hành động phù hợp với quy luật mà chúng ta học được từ cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ và sôi nổi của đồng chí Lê Duẩn vẫn mang nhiều giá trị trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Theo nhân dân điện tử