Các công nhân tại khu ổ chuột Kibera ở Nairobi, Kenya, thực hiện biện pháp phòng dịch COVID-19. (Ảnh: UN) |
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp cho hơn 200 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2022, trong đó phụ nữ và lao động trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Báo cáo Các vấn đề Xã hội và Việc làm Thế giới: Xu hướng 2021" cho biết: "5 năm tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo tại nơi làm việc đã bị xóa sổ", đồng thời nhấn mạnh rằng, điều này sẽ khiến cho không thể tiếp cận được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo vào năm 2030.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong nửa đầu năm 2021 là: Mỹ Latinh và Caribe, châu Âu và Trung Á, tất cả đều là nạn nhân của sự phục hồi không đồng đều. Những khu vực này đã chứng kiến số giờ làm việc bị mất ước tính vượt quá 8% trong quý đầu tiên và 6% trong quý thứ hai, cao hơn mức trung bình thế giới lần lượt là 4,8 và 4,4%.
Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, khi việc làm của họ giảm 5% vào năm 2020, so với 3,9% ở nam giới.
Việc làm của thanh niên cũng tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giảm 8,7% vào năm 2020, so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn.
Theo ILO, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch cũng đã gây ra hậu quả thảm khốc cho 2 tỷ lao động khu vực phi chính thức trên thế giới. So với năm 2019, thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới hiện được coi là đang sống trong cảnh nghèo đói hoặc nghèo đói cùng cực. Điều này có nghĩa là họ và gia đình của họ sống tương đương với ít hơn 3,20 USD một người mỗi ngày.
Báo cáo của ILO cũng dự báo mức tăng 'thâm hụt việc làm' là 75 triệu vào năm 2021, dự kiến sẽ giảm xuống 23 triệu vào năm 2022.
Sự sụt giảm số giờ làm việc liên quan, có tính đến việc thiếu việc làm và những người làm việc ít hơn, tương đương với 100 triệu công việc toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu vào năm 2022.
Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng
Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 3/6, đã ký sắc lệnh đưa vào danh sách đen 59 công ty Trung Quốc có nghi ngờ liên quan tới lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng. Các công ty bị liệt vào danh sách do công khai hoặc bị cáo buộc làm việc cho lĩnh vực quốc phòng hoặc giám sát của Trung Quốc, hoặc vì mối quan hệ của chủ sở hữu với các lĩnh vực này. Hơn 30 công ty trong danh sách tham gia vào các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, vũ khí và hạt nhân, hoặc một số lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực quốc phòng. Một công ty - Hangzhou Hikvision Digital Technology - bị đưa vào danh sách do sản xuất công nghệ giám sát. Các công ty khác, trong đó có Huawei, và các công ty viễn thông China Mobile Limited và China Unicom, bị đưa vào do các chủ sở hữu bị cáo buộc có quan hệ với ngành công nghiệp vũ khí hoặc gián điệp hoặc cả hai.
Sắc lệnh mới, mở rộng phạm vi của một sắc lệnh trước đó từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, sẽ có hiệu lực từ 12h01 ngày 2/8 (giờ New York). Các nhà đầu tư Mỹ có một năm để rút vốn hoàn toàn khỏi những công ty Trung Quốc nói trên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích rằng mục tiêu của sắc lệnh này là ngăn chặn sự hỗ trợ của các khoản đầu tư của Mỹ vào khu phức hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc, cũng như tình báo quân sự và các chương trình nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực an ninh. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng "việc sử dụng các công nghệ giám sát của Trung Quốc" bên ngoài nước này và "việc phát triển hoặc sử dụng các công nghệ giám sát của Trung Quốc" nhằm tạo điều kiện trấn áp hoặc xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền, tạo thành các mối đe dọa bất thường.
Cũng trong ngày 3/6, Bộ Tài chính Mỹ công bố hướng dẫn về chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm lệnh cấm. Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách này sẽ được cập nhật liên tục.
Sắc lệnh mới vừa được đưa ra là một phần trong số hàng loạt các biện pháp mạnh hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm chống lại Trung Quốc, bao gồm tăng cường các liên minh của Mỹ và đầu tư để làm cho nền kinh tế Mỹ cạnh tranh hơn.
Ngày 4/6, Trung Quốc đã phản đối việc Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" bị Washington áp đặt trừng phạt với lý do liên quan đến lĩnh vực công nghệ do thám hoặc quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh hối thúc Washington tôn trọng luật lệ và nguyên tắc thị trường và rút khỏi danh sách các công ty Trung Quốc mà giới đầu tư Mỹ không được đầu tư.
Ông Uông Văn Bân cũng kêu gọi Washington có hành động bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối với các công ty Trung Quốc.
Israel đạt thỏa thuận thành lập chính phủ mới
Ông Yair Lapid - lãnh đạo đảng đối lập Yesh Atid của Israel (trái) và ông Naftali Bennett - lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Yair Lapid, ngày 2/6 đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới, nhằm thay thế cho chính phủ hiện nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Thông báo được ông Lapid gửi tới Tổng thống Reuven Rivlin bằng email, trong đó có đoạn viết: "Tôi rất vinh dự thông báo với Tổng thống về việc đã thực hiện thành công nhiệm vụ thành lập chính phủ mới."
Văn phòng Tổng thống Israel cho biết ông Rivlin ngay sau đó đã gọi điện chúc mừng ông Lapid.
Để có thể vận động được sự ủng hộ của các đảng đại diện cho tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội Israel (Knesset), ông Lapid đã nhận được "quân bài" quyết định từ ông Naftali Bennett - lãnh đạo đảng Yamina.
Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Bennett và ông Lapid sẽ luân phiên nhau làm thủ tướng trong chính phủ mới.
Gọi đây là "chính phủ thay đổi," ông Lapid tuyên bố chính phủ mới "sẽ làm việc vì mọi công dân Israel… tôn trọng đối thủ và làm tất cả để thống nhất và kết nối mọi thành phần trong xã hội Israel."
Thỏa thuận thành lập chính phủ còn cần phải được Knesset thông qua mới có hiệu lực, do vậy được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Các nước tăng cường chia sẻ vaccine COVID-19
COVAX – cơ chế được thiết lập để bảo đảm phân phối vaccine một cách công bằng, đặc biệt là cho các nước có thu nhập thấp. (Ảnh: Reteurs) |
Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu và thực hiện ngay lập tức phân bổ 25 triệu liều đầu tiên trong số này.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Hôm nay, Chính phủ công bố khuôn khổ chia sẻ 80 triệu liều thuốc của Mỹ trên khắp thế giới" và "ít nhất 3/4 liều được đưa ra sẽ được chia sẻ qua COVAX". Con số này tương đương với 60 triệu liều được phân phối thông qua COVAX – cơ chế được thiết lập để bảo đảm phân phối vaccine một cách công bằng, đặc biệt là cho các nước có thu nhập thấp. Nhà Trắng cho biết 25% còn lại (20 triệu liều) sẽ được dành cho "những quốc gia đang gặp khó khăn, những quốc gia đang đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh, cho những nước láng giềng gần gũi" của Mỹ.
Washington cũng nêu chi tiết các quốc gia mà Mỹ cung cấp 25 triệu liều vaccine đầu tiên: Gần 19 triệu sẽ chuyển qua COVAX (6 triệu cho Nam và Trung Mỹ, 7 triệu cho châu Á và 5 triệu cho châu Phi). Và 6 triệu còn lại sẽ được phân phối trực tiếp cho các nước "đối tác" (Mexico, Canada, Ai Cập, Iraq, Yemen, v.v.).
Tại Hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến ngày 3/6, Chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Như vậy, tổng giá trị đóng góp của quốc tế dành cho COVAX đạt gần 9,6 tỷ USD.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 4/6, nhận định kế hoạch của Mỹ nhanh chóng chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn là "một bước khởi đầu quan trọng", nhưng cần khẩn cấp thêm rất nhiều liều vaccine nữa để bù vào những thiếu hụt nguồn cung vaccine từ Ấn Độ.
Ngày 4/6, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không chỉ tạo ra các công nghệ độc đáo và nhanh chóng thiết lập việc sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong nước, mà còn giúp các đối tác nước ngoài triển khai sản xuất vaccine.
G7 đạt "thỏa thuận lịch sử" về thuế doanh nghiệp toàn cầu
Nhóm các nước G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 5/6, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tuy theo từng nước.
Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đạt được một giải pháp công bằng về quyền áp thuế, theo đó các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất". Tuyên bố cũng khẳng định G7 sẽ tiến hành điều phối hợp lý giữa việc áp dụng các quy định thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty.
Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính G7 cũng nhất trí tiến tới buộc các công ty phải công bố về những tác động đối với môi trường theo cách tiêu chuẩn hơn để các nhà đầu tư có thể dễ dàng ra quyết định có đầu tư vào các công ty này hay không.
Thỏa thuận này có thể là cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra vào tháng 7 tới. Thỏa thuận này được cho là chấm dứt một thập kỷ "chạy đua xuống đáy", trong đó các nước cạnh tranh để thu hút các tập đoàn bằng cách áp mức thuế rất thấp hoặc miễn thuế, khiến ngân khố thất thu hàng trăm tỉ USD. Việc bù đắp khoản thất thu này hiện nay rất cấp thiết để các nước trang trải những khoản chi lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận này sẽ tạo một "sân chơi bình đẳng" cho các công ty trên toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính các nước Mỹ, Đức, Pháp, Ireland đã lên tiếng hoan nghênh, bày tỏ ủng hộ thỏa thuận này./.
Theo chinhphu.vn