Nhân viên hàng không hỗ trợ hành khách tại sảnh khởi hành của Sân bay Quốc tế Vancouver, Canada, ngày 30/1/2021. Bắt đầu từ cuối tuần trước, du khách từ 12 tuổi trở lên cần cung cấp chứng nhận tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19 trước khi thực hiện các chuyến bay. (Ảnh: Xinhua) |
Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 1/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 224.112.234 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.320.433 ca bệnh đang điều trị thì có 18.247.668 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 72.765 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 "vùng dịch" lớn nhất.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 1/11, hiện 49,4% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,04 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 25,49 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 3,6%. |
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 64.521.693 trường hợp, trong đó có 1.302.442 ca tử vong và 58.047.552 ca được điều trị khỏi. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong.
Hiện Bắc Mỹ có 56.246.361 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.148.069 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 46.823.938 ca nhiễm và 766.299 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 1/11, Nam Mỹ có 38.419.616 ca nhiễm COVID-19, với 1.170.504 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.810.855 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 79.375.673 ca. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 93.010 ca mắc mới COVID-19. Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, các nước tại châu Á đang soạn thảo lộ trình chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19".
Tại Thái Lan, ngày 1/11 đánh dấu sự mở cửa trở lại đối với du khách nước ngoài, đồng thời cũng là thời điểm học sinh quay trở lại trường học kể từ khi đợt bùng phát thứ 3 dịch COVID-19 vào đầu tháng 4. Tuần trước, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã công bố danh sách 63 trường học tại thủ đô sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/11 - thời điểm bắt đầu học kỳ hai của năm học 2021-2022.
Tại Campuchia, Ủy ban Quốc gia về tiêm vaccine ngừa COVID-19 thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5 tuổi sẽ chính thức được khởi động từ ngày 1/11. Hiện chưa có thông báo về số lượng trẻ em 5 tuổi được tiêm trong đợt này, nhưng chiến dịch tiêm chủng thứ 5 cho thấy quyết tâm của Campuchia trong việc đạt mục tiêu bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho 91% dân số vào cuối năm nay.
Tính đến sáng 1/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.572.901 trường hợp, trong đó có 218.761 ca tử vong và 7.908.492 ca bình phục.
Hiện châu Đại Dương có 310.481 ca nhiễm COVID-19, với 3.716 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 170.564 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.141 ca.
Với khoảng 14 triệu dân đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, bắt đầu từ ngày 1/11, Australia nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới được áp đặt trong 18 tháng qua, đồng thời tiếp nhận trở lại các du khách từ quốc gia láng giềng New Zealand đã tiêm đủ vaccine./.
Theo dangcongsan.vn