Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đóng góp ý kiến thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Publish date 21/11/2017 | 15:19  | View count: 4261

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 21/11 các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đại biểu Võ Đình Tín – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu.

Đại biểu Võ Đình Tín - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận tại Hội trường kỳ họp về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
 

Theo đó, đại biểu Võ Đình Tín tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng trên thực tế hiện nay tình hình tham nhũng ngoài khu vực nhà nước đã và đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng và gây bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh và cản trở hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự thảo Luật là phù họp với quan điểm chỉ đạo Đảng tại Kết luận số 10 ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, đối với quy định về  "Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán" (điều 73 dự thảo luật), đại biểu Võ Đình Tín đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành vì cho rằng: "Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành đã quy định khá đầy đủ, chi tiết trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì những cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra nhằm kịp thời xử lý hiệu quả các hành vi tham nhũng. Nếu theo quy định như dự thảo Luật thì việc để các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giữ lại để xác minh có thể dẫn đến tình trạng kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động điều tra sau này. Mặt khác, đa số vụ việc tham nhũng đều có tính chất phức tạp, người có hành vi tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn nên việc điều tra cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ, quyền hạn nhất định. Trong khi đó cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hiện nay chưa được trang bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ để tiến hành điều tra vụ án như các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự".

Về phần xây dựng Chế độ liêm chính (quy định tại Mục 3, Chương II của dự thảo Luật), đại biểu Tín cho rằng việc quy định về quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng; trong đó, quy định cụ thể những việc mà cán bộ công chức, viên chức không được làm; những việc mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm là hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật cần giải thích và quy định cụ thể Chế độ liêm chính bao gồm những nội dung nào. Đồng thời, nếu đưa nội dung Chế độ liêm chính vào chương trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng từ cấp trung học phổ thông trở lên như tại Điều 27 của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét và cân nhắc tính phù hợp để đảm bảo không trùng lắp với bộ môn Giáo dục công dân và không làm tăng giờ học dẫn đên quá tải Chương trình giáo dục phổ thông tại các cấp học.

Đối với quy trình thảo luận và thông qua Luật, Đại biểu Võ Đình Tín thống nhất với  đề nghị của Ủy ban tư pháp tại báo cáo thẩm tra dự án luật, cho rằng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, được nhân dân kỳ vọng; đồng thời các quy định của Luật sẽ tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân được quy định tại nhiều Luật có liên quan như: Bộ Luật Dân sự, Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư… Do đó, để có thời gian Chính phủ đánh giá tác động đối với một số nội dung mới và nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo góp ý của đại biểu Quốc hội bảo đảm chất lượng và có tính khả thi cao khi luật được ban hành, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp theo trình tự, thủ tục quy định tại điều 76 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nam Nhật