TIN TRONG NƯỚC
43 năm đã trôi qua, thế nhưng với những người lính từng tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn không thể nào quên những năm tháng gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào, vì đã góp sức làm nên chiến thắng lịch sử, hào hùng của dân tộc.
Nén nỗi đau đồng đội hy sinh
Năm 1974, ông Nguyễn Công Thắng hiện ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) tình nguyện vào Nam chiến đấu, thuộc Trung đoàn 146, Quân đoàn 2. Sau khi vào mặt trận Quảng Trị, đơn vị ông cùng Sư đoàn 325 có nhiệm vụ vừa huấn luyện vừa đánh giặc. Sau đó, Trung đoàn 146 nhận lệnh vào Lộc Ninh đánh các chốt, đồn, chặn quân tiếp viện của địch.
Tháng 3/1975, đơn vị ông quay trở lại Huế để chiến đấu, đến khi Huế giành thắng lợi thì nhận lệnh đánh thẳng theo dọc quốc lộ 1 hướng vào Đà Nẵng. Hễ nơi nào đánh thắng giặc thì ngay lập tức có xe đến để chở quân ra chiến trường khác.
Mỗi dịp 30/4 về, ông Thắng xem lại những thước phim tư liệu về giải phóng Sài Gòn để nhớ những năm tháng hào hùng |
Ông Thắng còn nhớ như in, chiếc xe ngày ấy mang dòng chữ "Thần tốc đại thần tốc, táo bạo đại táo bạo", như lời hiệu triệu tiến lên, động viên người lính có thêm quyết tâm tiêu diệt quân địch. Sau đó, đơn vị ông di chuyển vào Xuân Lộc (Đồng Nai) để chiến đấu. Tháng 4/1975, đơn vị ông tiến thẳng theo tỉnh lộ 5 hướng Nhơn Trạch-Long Thành đánh vào Tổng kho Long Bình. Đêm 29/4, đơn vị tập kết tại cảng Cát Lái thuộc Sài Gòn-Gia Định, nhưng phía bên kia sông là quân địch đang chiếm giữ nên các ông tìm cách qua sông.
Ông Thắng nhớ lại: "Chúng tôi ai cũng muốn được tiến đánh vào Sài Gòn, nhưng tình hình lúc đó không thể qua sông, nên anh em ai cũng tức nghẹn trong ngực, cảm giác như ai đó đang giữ ngực mình lại rất khó chịu".
Ngày 30/4, khi chỉ còn 30 phút nữa là chế độ Sài Gòn đầu hàng, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đơn vị ông đang làm nhiệm vụ bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm thì bọn địch bên kia sông trở tay bắn trả, làm hy sinh 30 người.
Ông Thắng kể: "Trong cuộc hành quân này, đơn vị tôi nhận được nhiều tình cảm của các mẹ. Những nắm cơm các mẹ dành nuôi quân, chúng tôi vẫn mang theo bên mình chưa kịp ăn, phải để dành những lúc nguy cấp. Nhưng điều chúng tôi đau nhất, chính là khi chỉ còn 30 phút nữa thôi đã nhận được tin vui của đất nước thì 30 anh em lại phải hy sinh. Cả cuộc hành trình kéo dài, đơn vị chúng tôi chỉ tổn thất khoảng 50 người, nhưng lúc này đây mất tới 30 người. Đau lắm, xót lắm, nhiều đồng chí nắm cơm mẹ gói từ Huế vào chưa kịp ăn, chưa kịp biết tin chiến thắng… Tuy nhiên, chúng tôi cố nén nỗi đau để hòa mình vào niềm vui chung của dân tộc. Tối hôm đó, đơn vị tôi hành quân ra Nhơn Trạch và tổ chức ăn mừng chiến thắng 5 ngày".
Khóc vì vui sướng
Vào bộ đội từ năm 1970, sau khi tham gia xong lớp huấn luyện tại quê Hưng Yên, cuối năm 1972, ông Vũ Đức Để hiện ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) vào Nam chiến đấu tại mặt trận Mỹ Tho (Tiền Giang). Trong quãng thời gian dài tham gia chiến đấu, ông cùng đồng đội trải qua nhiều trận chiến rất cam go, ác liệt mà nhiều lúc thấy sống nghĩ mình còn ngủ mơ.
Ông Vũ Đức Để và ông Vũ Công Thành (từ trái qua) luôn nhớ mãi những năm tháng hào hùng |
Ông Để kể, năm 1975, đơn vị ông tham gia đánh chi khu Vĩnh Kim, thị trấn Cai Lậy, Mỹ Tho. Trong trận này, ông là người dẫn đường cho quân ta vào đánh và bị thương ở tay. Sau đó, ông cởi áo, quấn vào tay để cầm máu, nhưng do vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên bị ngất. Lúc ông tỉnh dậy đã 3 giờ sáng hôm sau và được đưa qua sông về đất liền. Ông Để cho biết: "Qua bên này sông, chúng tôi mới biết mình còn sống, chứ khi cởi áo ra cột vết thương là tôi nghĩ mình sẽ chết. Trong trận này, tôi bị đạn trúng vào đầu, vào tay, đau đớn nhưng vẫn không nao núng tinh thần. Tôi chỉ mong vết thương nhanh lành để sớm trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu".
Ngày 30/4/1975, lúc này mặt trận Mỹ Tho đã tạm lắng, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đi nhặt vỏ đạn, thu gom chiến lợi phẩm, bắt tù binh. Trong khi đang làm nhiệm vụ, nghe tin chế độ Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, các ông vỡ òa niềm vui chiến thắng. Bao nhiêu gian khổ, hy sinh không được đếm đong, nhưng niềm vui ngày độc lập lại được đo từng giây, từng phút. Anh em người Bắc kẻ Nam ôm chầm nhau, khóc vì vui sướng mà chỉ lặng lẽ lau nước mắt.
Bao nhiêu gian khổ, hy sinh không được đếm đong, nhưng niềm vui ngày độc lập lại được đo từng giây, từng phút là cảm xúc của ông Để |
Niềm vui lớn quá
Giữa năm 1974, ông Vũ Công Thành hiện cũng ở thôn 8, xã Kiến Thành vào Nam chiến đấu thuộc Trung đoàn 338, Sư đoàn 2. Từ năm 1974-1975, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Nam.
Ngày 30/4, ông Vũ Công Thành cùng đồng đội vỡ òa niềm vui chiến thắng |
Tháng 11/1974, ông bị thương khi đánh nhau với địch tại khu Đồng Mông, Đá Hàm. Tháng 2/1975, ông tham gia đánh từ Tiên Phước xuống Tam Kỳ, Hội An... Trong trận này, đơn vị ông rơi vào vùng ổ phục kích của địch, bị địch ở trên đỉnh đồi bắn xuống rất ác liệc, đơn vị ông chỉ biết lợi dụng địa hình, địa vật để từng bước thoát ra. Khi đơn vị thoát được, lên trên đỉnh đồi thì quân địch tháo chạy, các ông đuổi theo xuống Tam Kỳ, Hội An về Đà Nẵng. Ngày 30/4/1975, đơn vị ông đóng quân tại Quảng Nam-Đà Nẵng thì biết tin Sài Gòn giải phóng.
Ông Thành cho biết: "Lúc đó, vui quá mà chúng tôi nhìn nhau không nói được câu nào. Niềm vui lớn quá, ai cũng rưng rưng nước mắt và ước mơ được trở về với gia đình"
Theo Đắk Nông Online