Trước thực tế nhiều diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh gây hại gây thiệt hại lớn cho nông dân, trong 2 năm 2015-2016, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình “Ứng dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hồ tiêu tại Đắk Nông”'.
Mô hình được thực hiện tại 2 huyện Đắk Song và Chư Jút với 32 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia đã được tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn trực tiếp các biện pháp phòng trừ tổng hợp như canh tác, sinh học, hóa học. Qua hai năm triển khai, các hộ dân đều đánh giá mô hình đem lại hiệu quả, cần được tuyên truyền, nhân rộng.
Nông dân xã Đắk N'drung (Đắk Song) từng bước áp dụng các bước canh tác hồ tiêu bền vững |
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đối với biện pháp canh tác để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, mô hình hướng người sản xuất vào những nội dung, phần việc trọng tâm như vệ sinh vườn, tiêu hủy cây bệnh, tạo rãnh thoát nước, bón phân đầy đủ, cân đối. Việc trồng bổ sung cây che bóng với vườn trồng tiêu leo bám trên trụ chết cũng được cơ quan chuyên môn coi là một giải pháp chính.
Đối với các biện pháp sinh học thì đặc biệt chú trọng sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng hoai. Tỷ lệ được thực hiện là 3kg/1 tấn phân chuồng hoai. Lượng phân được bón dựa vào năng suất vụ trước, khoảng 30 tấn/ha cho vườn tiêu năng suất trung bình 4 – 5 tấn/ha. Ngoài ra các mô hình còn sử dụng chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật đối kháng Streptomyces sp, Bacillus sp, Trichoderma harzianum để bón kết hợp.
Đặc biệt, nấm đối kháng Trichoderma được mô hình đặc biệt chú ý vì đây là kết quả nghiên cứu thành công của các nhà khoa học. Biện pháp hóa học thì mô hình hướng người nông dân đến việc sử dụng đúng lúc, đúng cách, chỉ sử dụng khi vườn đã bị bệnh. Mô hình khuyến cáo nông dân không nên dùng theo kiểu phun phòng khi chưa có biểu hiện bệnh.
Với bệnh chết nhanh, mọi biện pháp canh tác khác cho cả vườn đều tiến hành như bình thường. Chỉ sử dụng phương pháp hóa học cho trụ tiêu bị bệnh nhẹ hoặc trụ liền kề các trụ tiêu bị bệnh. Cụ thể, bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium (Aliette 800WG), Phosphorous acid (Agri- Fos 400) hoặc hoạt chất Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil Gold 68WP).
Với bệnh chết chậm, đối với vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh, nhưng còn khả năng phục hồi. (Biểu hiện bệnh ở mức lá vàng và xoăn nhẹ, rụng lá, rụng đốt nhưng dưới 50% so với cây bình thường, rễ có nốt sưng, rễ tơ bị hại nhưng rễ chính vẫn còn sống, xử lý theo 4 bước).
Bước 1, vào đầu mùa mưa, xử lý 2 lần bằng hỗn hợp của các thuốc trừ tuyến trùng, nấm bệnh và chất kích thích ra rễ cách nhau 15-20 ngày. Phương pháp xử lý là sục gốc với lượng 4-5lít thuốc đã pha/trụ. Nồng độ pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Bước 2, sau xử lý thuốc 15 ngày, bón phân chuồng hoai và chế phẩm sinh học như đối với vườn tiêu chưa bị bệnh. Bón phân vô cơ và các biện pháp kỹ thuật khác theo quy trình chung.
Bước 3, vào giữa mùa mưa, xử lý lại các thuốc trừ tuyến trùng, nấm bệnh và kích thích ra rễ như bước 1.
Bước 4, sau khi thu hoạch, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc rửa vườn và xử lý thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp như bước 1.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, một hộ dân tham gia mô hình ở xã Nâm N'Jang ( Đắk Song) thì về các biện pháp vệ sinh, tiêu hủy cây bệnh trước đây bà đã biết nhưng áp dụng không đúng cách, không đồng bộ. Nhờ thực hiện mô hình mà gia đình biết rằng, khi cây bệnh nặng phải được nhanh chóng nhổ bỏ, đưa ra khỏi vườn tiêu hủy. Nếu để lâu sẽ gây ra nguy cơ cao cho việc dịch bệnh lây lan ra cả vườn, thậm chí sang các vườn khác. Nhờ cách phòng phù hợp từ các biện pháp canh tác tổng hợp mà vườn cây của gia đình hơn 2 năm nay rất ít bị bệnh, năng suất khá ổn định. Theo kết quả phân tích mẫu do Viện bảo vệ thực vật thực hiện thì ở các vườn mô hình, hiệu quả phòng trừ nấm Phytophthora đạt từ 70,6 đến 96,5%. Hiệu quả phòng trừ bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu cũng đạt rất cao. Trong đó, đối với phòng trừ nấm Fusarium, đạt 55,5 - 86,1%; tuyến trùng trong đất trồng đạt từ 53,5 - 83,7%; phòng trừ từ 53,2 - 79,9% đối với tuyến trùng trong rễ.
Ở tất cả các vườn mô hình, tổng chi phí cho 1 ha hồ tiêu lớn hơn ở vườn đối chứng. Phần chi phí tăng lên chủ yếu là do việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, do năng suất ở vườn mô hình cao hơn vườn đối chứng từ 16 - 22% nên lợi nhuận của vườn mô hình luôn cao hơn đối chứng. Lãi thuần của mô hình cao hơn vườn đối chứng khoảng 100 triệu đồng/ha.
Các thuốc trừ tuyến trùng có hiệu quả cao gồm: Hoạt chất Ethoprophos (Saburan 10GR); Carbosulfan (Carbosan 25EC, Vifu – super 5 GR…); Clinoptilolite (Map Logic 90W…); Abamectin (Tervigo 020SC…). Các thuốc trừ nấm bệnh: Hoạt chất Potassium phosphonate (Agri-Fos 400, Kaliphos); Dimethomorph(Phytocide 50WP…); Cuprous oxide + Dimethomorph (Eddy 72WP); Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil Gold 68WP); Fosetyl-aluminium (Aliette 800WG). Các thuốc kích thích ra rễ: Super humic, Rhizomyx, Root well, RIC 10WP. Thuốc trừ rệp sáp: Chlorpyriphos Ethyl (Maxfos 50EC, Ecasi 20EC, Anboom 40E); Diazinon, Carbofuran, Benfuracarb... |
Theo Đăk Nông Online