Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017
Publish date 01/09/2017 | 15:02  | View count: 5025

Sáng 01/9, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Quang cảnh Hội nghị


Theo báo cáo tại hội nghị, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa và lồng ghép từ chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, cơ bản bao phủ được số hộ nghèo và địa bàn xã còn khó khăn; người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh chiếm 19,2%, trong khi đó, tỷ lệ điều tra cuối năm 2015 là 19,26%. Như vậy  tỷ lệ giảm không đạt so với Nghị quyết đề ra. Mặt khác, dù đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng đến cuối năm 2016 vẫn còn 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 22 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới với các mục tiêu cụ thể hàng năm như: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020); 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chi thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiêp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Tại Hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận về những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo của đơn vị mình, nêu lên các khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề ra phương hướng để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, Thị xã đã thống nhất và đi tới ký cam kết thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của từng đơn vị. Theo đó, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm cụ thể của các đơn vị như sau: Thị xã Gia Nghĩa từ 0,3 – 0,5%; Huyện Đắk Glong và Huyện Tuy Đức  giảm từ  4 – 5%; Các Huyện : Đắk R'lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút,  Krông Nô giảm từ 2 - 2,5%.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu kết luận Hội nghị


Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo chung và giảm nghèo đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Triển khai thực hiện chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; Đa dạng hóa nguồn vốn huy dộng để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, có biện pháp tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức vay tối đa quy định, nhưng phải  gắn trách nhiệm, cam kết sử dụng nguồn vay vốn đúng mục đích, hiệu quả và tác động đến khả năng thoát nghèo của hộ nghèo. Đối với việc điều tra, rà soát, xét công nhận hộ nghèo hàng năm, cần phải được thực hiện nghiêm, theo đúng quy trình. Cấp cơ sở cần nắm chắc biến động hộ nghèo, đặc biệt kiểm soát chặt hộ nghèo phát sinh mới, tình trạng tách hộ nghèo, dân di cư chuyển đến; cụ thể các thông số để tiến hành phân loại hộ nghèo theo nhóm đối tượng, xác định rõ nguyên nhân nghèo, nhu cầu của từng hộ nghèo, nhóm nghèo để từ đó có những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương  cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác, áp dụng khoa học để chủ động vươn lên thoát nghèo.

Sam Nguyễn