TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông năm 2022 và Kế hoạch năm 2023
14/12/2022 | 08:24  | View count: 49165

Trong năm 2022, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế - xã hội, như: Cuộc xung đột Nga – Ukraina; những ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng, vật tư, phân bón đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao.... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực; cụ thể như sau:

Trong năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành vượt và đạt 11/11 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, cụ thể:

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,59% - vượt kế hoạch. GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,61 triệu đồng - vượt kế hoạch.

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021 - vượt kế hoạch.

(3) Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.475 tỷ đồng - vượt kế hoạch.

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ nhựa hóa chung đạt 68%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%; Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,2%; Tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 82% - đạt kế hoạch.

(5) Lao động và việc làm: Số lao động được tạo việc làm 20.914 lượt người - vượt kế hoạch; đào tạo nghề cho 5.766 người - vượt kế hoạch; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 14% - vượt kế hoạch.

(6) Giảm nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025): Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 5% - đạt kế hoạch.

(7) Y tế: Đạt 19,8 giường bệnh/vạn dân; đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%  - đạt kế hoạch.

(8) Giáo dục: Tăng thêm 13 trường đạt chuẩn quốc gia - vượt kế hoạch.

(9) Văn hóa: Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị đạt 61,97% - vượt kế hoạch.

(10) Môi trường: Trồng mới rừng tập trung đạt 2.039,57 ha - vượt kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5% - đạt kế hoạch.

(11) Nông thôn mới: Tăng thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 38 xã); số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí; Tăng thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - đạt kế hoạch.

Công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 11% so với năm 2021. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Bước đầu đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp nhẹ và năng lượng; công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nông nghiệp: Quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp tăng cao. Tình hình chăn nuôi có những chuyển biến tích cực, từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, thị trường đầu ra ổn. Nuôi trồng và khai thác thủy sản gia tăng ổn định, người dân đã tận dụng thêm mặt nước tại các hồ thủy điện để nuôi cá lồng, bè, hình thành và phát triển những vùng chuyên canh. Sản lượng lương thực ước đạt 355.836 tấn, đạt 100,43% kế hoạch; tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, ước thực hiện vượt kế hoạch. Toàn tỉnh có 35/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,3%; bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Thành phố Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; ...

Thương mại, dịch vụ và du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 19.312 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,25% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.170 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu trong năm dự kiến đạt 330 triệu USD, giảm 36% so với thực hiện năm 2021;tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông năm ước thực hiện cả năm 2022 đạt 480.000 lượt, tăng 280,6% so với cùng kỳ.

Công tác Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông: Trong năm 2022, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, như: Kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông; ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 05 năm 2021-2025 và kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã lấy ngày 01/11 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông; đồng thời, tổ chức thành công Ngày Chuyển đổi số của tỉnh và khai trương Trung tâm điều hành thông minh IOC. Ngoài ra Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI)  của tỉnh Đắk Nông năm 2021 đã tăng 13 bậc so với năm 2020, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố.

          Giáo dục và đào tạo: Ngành giáo dục thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo kế hoạch đề ra. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 trên địa bàn tỉnh (kết quả tỷ lệ tốt nghiệp đạt 96,72%). Lũy kế có 176/317 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc đối tượng chính sách: Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện; tập trung chăm lo đời sống cho người có công, triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp Lễ, Tết; kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bảo đảm quốc phòng an ninh; nội chính, đối ngoại: Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao. Công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia tiếp tục được củng cố và tăng cường. Thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý đoàn ra và công tác đón tiếp đoàn vào làm việc tại tỉnh.

Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng chậm; các nước tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công; xung đột tại Ucraina có thể kéo dài, ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistisc, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, an ninh năng lượng, lương thực. Tình hình kinh tế trong nước sẽ chịu các thách thức do sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng…. Trong tỉnh, tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động lớn đến nền kinh tế nội tỉnh, biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề và thách thức to lớn; đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, quyết tâm phấn đấu để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao nhất để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh thực hiện các chỉ tiêu phát triển kính tế - xã hội tỉnh năm 2023:

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, UBND tỉnh tập trung tổ chức thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

(1) Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2022, đặc biệt là những tồn tại đã được Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban thuộc HĐND tỉnh đã chỉ ra.

(2) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Quy hoạch tỉnh là cơ sở thống nhất các định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, nguồn lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Vì vậy phải tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện để bảo đảm cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.

(3) Tập trung thực hiện 3 trụ cột phát triển kinh tế đã được Tỉnh ủy đề ra, gồm: (i) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; (ii) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị…; (iii) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên về cảnh quan, thời tiết, khí hậu, các giá trị văn hóa bản địa.

(4) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và thực hiện các công trình trọng điểm chào mừng 20 năm thành lập tỉnh

(5) Triển khai quyết liệt các giải pháp thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn thu từ đất. Tiết kiệm triệt để các khoản chi chưa thật sự cấp thiết, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội.

(6) Quan tâm, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội:

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; phối hợp đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Tập trung xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam, phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, độc đáo của bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; … Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(7) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với chuyển đổi số: Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện tốt văn hóa công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

(8) Về công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh:

Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh trong khu vực, các tổng công ty lớn của trung ương. Mở rộng quan hệ với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.

Tiến Đạt