AN NINH - QUỐC PHÒNG

Triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Ngày đăng 07/04/2022 | 10:01  | View count: 2010

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Mục đích của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cần phấn đấu đạt được như:

Đến năm 2025:

- Lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

- 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số.

- 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số.

- Đào tạo được tối thiểu 30 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số.

- 60% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- Xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

- 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Đến năm 2030:

- 80% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Theo đó, để Kế hoạch triển khai đạt kết quả, Kế hoạch đã đưa ra 03 nhóm nhiệm vụ cụ thể như: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; Nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời đưa ra 03 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện: Nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai; Nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần đa dạng hóa các hình thức nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực để có thể áp dụng được trong thực tiễn; Cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc tham gia.

Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và triển khai nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực.

Các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực diễn ra sâu rộng, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, liên tục và kế thừa cả về kiến thức và đối tượng học tránh gây lãng phí, hình thức.

Huy Hoàng

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7
Tổng: 0