AN NINH - QUỐC PHÒNG
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với bão số 5 năm 2020 tại Công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16/9/2020. Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng rìa phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 độ vĩ Bắc nối với cơn bão số 5, kết hợp gió Tây nam cường độ mạnh nên thời tiết trong 24 giờ tới thời tiết phổ biến nhiều mây, có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 10.0 - 40.0mm, có nơi > 50.0mm. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió mạnh. Để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 5.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Chủ đập công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4223/UBND-KTN ngày 18/8/2020 về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ đập.
UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, ngập úng, các hộ dân sống ven sông, suối, các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tập trung lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ở các khu vực bị thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất những ngày vừa qua.
- Chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.
Rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân.
Các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện: chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai theo Phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã được phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
- Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, các công trình có nguy cơ bị sạt lở.
UBND các huyện, thành phố; các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện và các đơn vị có liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và kết quả đo mưa của các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh để kịp thời cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đến chính quyền địa phương và người dân.
H.M