AN NINH - QUỐC PHÒNG
Sau khi tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.
Tranh minh họa |
Theo kế hoạch, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 21/3 - 13/4. Theo đó, nếu người ứng cử không đạt trên 50% phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách.
Qua đánh giá chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chính trị của những người ứng cử lần này được nâng lên rất nhiều so với nhiệm kỳ trước. Các đơn vị, địa phương đã gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ để giới thiệu những người thật sự tiêu biểu, có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ, lập trường chính trị vững vàng, thật sự trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử hết sức quan trọng, được xem là quá trình giám sát, phát huy quyền làm chủ của người dân đối với những người đại biểu mình lựa chọn. Chỉ có những người ứng cử có tín nhiệm cao, thật sự có chất lượng được cử tri nơi cư trú lựa chọn thì mới có thể đi tiếp vào vòng sau. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu và triển khai tổ chức các hội nghị một cách nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm để cử tri có thể quyết định, sáng suốt lựa chọn được những ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thật sự có chất lượng.
Cụ thể, các địa phương cần thông báo lịch tổ chức hội nghị đến từng hộ gia đình để cử tri thuận lợi, chủ động trong công việc, sắp xếp thời gian đến dự đông đủ, có chất lượng. Hội nghị phải thông qua danh sách, tiểu sử của những người được giới thiệu ứng cử đang cư trú tại địa bàn và tạo điều kiện cho cử tri có thể thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ, đóng góp ý kiến một cách chân thành. Những người được giới thiệu ứng cử phải là những người đã được các cơ quan, đơn vị, người dân chọn lựa, trước hết phải có trình độ, đạo đức và thật sự nhiệt tình, chăm lo cho công việc chung.
Hội nghị là dịp để cử tri nắm bắt thông tin những người được giới thiệu ứng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, làm cơ sở cho ngày bầu cử sắp tới. Do đó, những người được giới thiệu ứng cử cần nắm rõ tình hình địa bàn nơi mình ứng cử; qua đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm mà cử tri, người dân ủy quyền trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều cần nói nữa là những người tham gia ứng cử, dù sau này có được là ứng cử viên hay được bầu làm đại biểu hay không thì cũng lấy đây làm bài học kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà cử tri, người dân thẳng thắn chỉ rõ tại hội nghị.
Tại các hội nghị, cử tri cần phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, khách quan, thẳng thắn nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình về những người được giới thiệu ứng cử. Bởi vì, thông qua hội nghị là tiền đề, căn cứ quan trọng cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sắp tới có thể lựa chọn, giới thiệu được những ứng cử viên thực sự xuất sắc, đại diện cho tiếng nói của cử tri, người dân tại Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử