TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế trên địa bàn. Thế nhưng, Đắk Nông vẫn hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng, tạo tiền đề bứt phá trong năm 2022.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Trong năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đắk Nông đã hoàn thành và vượt tất cả 13 chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra. Trong đó, có 7 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt.
Đồ họa: Việt Dũng |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 8,63%, vượt kế hoạch 1,45%. Với kết quả này, năm 2021, Đắk Nông đứng thứ 7/63 tỉnh thành trong cả nước và đứng thứ 2 tại khu vực Tây Nguyên.
Một kết quả vượt trội khác là thu ngân sách Nhà nước. Năm 2021, tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến nhiều khoản thu. Chưa kể, việc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã làm nhiều khoản thu bị hụt so với dự toán ban đầu.
Vậy nhưng, bằng nhiều giải pháp, đến hết năm 2021, toàn tỉnh thực hiện được 3.200 tỷ đồng, vượt 450 tỷ đồng dự toán HĐND tỉnh giao.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Đắk Nông đã vượt lên khó khăn, đạt kết quả ngoạn mục. Vào thời điểm 30/6/2021, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 35%, nhưng đến cuối năm 2021, con số này đã nâng lên 97,7%.
Với kết quả này, Đắk Nông đứng tốp 20 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân tốt nhất toàn quốc. Đây là một lĩnh vực có sự bứt phá ấn tượng, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành, cơ quan ngang bộ phải trả lại vốn cho Trung ương vì giải ngân không đạt.
Đồ họa: Việt Dũng |
Một kết quả vượt trội và có sự chuyển biến tích cực nữa là về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư, cũng như giải quyết khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong năm 2021, Đắk Nông thu hút được 14 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 2.611 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1 dự án lĩnh vực y tế, 1 dự án hạ tầng, 1 dự án công nghiệp và 1 dự án lĩnh vực giáo dục.
Nói về những kết quả mà Đắk Nông đạt được, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đánh giá: "Năm 2021, chúng ta đã hoàn thành một cách xuất sắc các chỉ tiêu đề ra. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn chung như thế mà tỉnh đã vượt qua để thực hiện tốt các mục tiêu.
Đây là nỗ lực rất lớn đến từ sự kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, tinh thần vào cuộc kịp thời của các sở, ngành, đơn vị, sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân và doanh nghiệp. Với kết quả như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những thành công mới trong năm tới".
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công tại công trình Hồ chứa nước Đắk N'ting (hình chụp cuối tháng 11/2021) |
Vận dụng linh hoạt các giải pháp
Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đây là năm mang tính tạo đà cho sự tăng tốc thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Để hoàn thành mục tiêu trong năm mới, toàn tỉnh phải chung sức, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực trong lãnh đạo, chỉ đạo. Quá trình thực hiện cần sáng tạo, đổi mới, vận dụng linh hoạt giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra.
Công nhân sản xuất chanh dây tại Nhà máy chế xuất chanh dây xã Trúc Sơn (Cư Jút) |
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, giao kế hoạch, dự toán và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, trước mắt, toàn tỉnh triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.
Các sở, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chỉ đạo cấp trên hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Trong đó, các đơn vị tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như: thu ngân sách Nhà nước; giải ngân vốn đầu tư; trồng và quản lý, bảo vệ rừng.
Đồ họa: Việt Dũng |
"Các sở, ngành chuyên môn phối hợp các địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án đầu tư công đã được bố trí vốn. Mỗi dự án đầu tư phải có một kế hoạch rõ ràng, chi tiết và báo cáo kịp thời UBND tỉnh. Dự án nào không giải phóng mặt bằng được, kiên quyết không bố trí vốn cho dự án đó", Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từng bước thu hút các nhà đầu tư lớn vào Đắk Nông. Đối với những dự án đầu tư không hiệu quả, lãnh đạo các huyện, thành phố kiên quyết thu hồi, tạo cơ hội cho những nhà đầu tư mới.
Để hoàn thành các mục tiêu này, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Mỗi đơn vị chủ động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nguyên tắc đi đến kết quả cuối cùng.
Cần thay đổi quan điểm trong giải quyết những tồn tại
Năm 2022, ngoài thực hiện tốt các chỉ tiêu mới mà nghị quyết đề ra, các sở, ngành, đơn vị cần tập trung giải quyết những tồn tại của năm 2021 và những năm trước đó. Trước hết là vấn đề quyết toán các công trình, dự án. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công trình chưa quyết toán. Thứ hai nữa là giải quyết tồn tại trong lĩnh vực quản lý đất đai. Tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, người dân khai thác, chiếm đất của tỉnh giao cho doanh nghiệp quản lý đã, đang xảy ra rất phức tạp. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải thay đổi về cách nhìn, thay đổi quan điểm, chủ động tham mưu trong xử lý tồn tại để từng bước tạo kết quả tốt nhất. *** Chặt chẽ trong khảo sát, đánh giá công năng từng công trình, dự án
Nhiều dự án được bố trí vốn khi triển khai rất vướng. Nguyên nhân do khảo sát, đánh giá bước đầu chưa sát với thực tế. Dẫn đến tình trạng các dự án đưa đi thẩm định đều không đạt yêu cầu. Vấn đề này được sở chuyên ngành góp ý rất nhiều lần, nhưng chủ đầu tư không tiếp thu. Điều này không những gây lãng phí ngân sách, mà còn tốn thời gian cho các đơn vị liên quan. Việc bố trí vốn năm 2022, các sở, ngành, địa phương cần cân nhắc, chống tình trạng lãng phí ngân sách. Tránh tình trạng xong hết hồ sơ, nhưng khi ra trình thẩm định không đạt yêu cầu phải trả lại. Ngoài ra, đối với nguồn sử dụng đất tại các địa phương cần dự báo sát, đúng. Bởi đây là nguồn lực chính phục vụ đầu tư phát triển. *** Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương
Thời gian qua, công tác phối hợp trong giải quyết vấn đề đã được các sở, ngành, địa phương thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho đơn vị này, đơn vị kia. Vì vậy, một số vướng mắc không được giải quyết đến kết quả cuối cùng. Năm 2022, các sở, ngành, đơn vị cần phối hợp, giải quyết kịp thời khó khăn. Đây không chỉ là giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mà còn góp phần giúp giải quyết vướng mắc, hoàn thành sớm các mục tiêu đề ra. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử