Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 25/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017…
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia thảo luận |
Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Vắc xin là yếu tố quyết định trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh của chúng ta. Kiểm soát tốt dịch bệnh mở đường cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong kiểm soát dịch bệnh vừa qua, xảy ra tình trạng vi phạm về đấu thầu. Hàng loạt cán bộ từ trung ương cho đến các tỉnh liên quan đến vụ Việt Á và đấu thầu thuốc, giá thuốc… đã bị xử lý kỷ luật và bị truy tố. Đây là bài học rất đau lòng để chúng ta có những cơ chế quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
Toàn cảnh thảo luận tại tổ sáng 25/5 |
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đây là lần thứ hai, Quốc hội thảo luận toàn thể về dự án này. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, gửi Dự thảo Luật xin ý kiến một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đánh giá rất cao việc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa Dự án Luật Điện ảnh trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng dự án luật này cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như sau: Thứ nhất, tại khoản 6, điều 4 về "nguyên tắc hoạt động của điện ảnh"; điểm a, b, khoản 2, điều 5 về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, Ban soạn thảo chỉ mới đề cập đến các vùng ưu tiên đầu tư hỗ trợ như miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Tuy nhiên, từ năm 2006, Ủy ban dân tộc có Quyết định 172 về việc công nhận các xã, tỉnh huyện là miền núi, vùng cao là vùng cần có chính sách xem xét hỗ trợ đầu tư, ưu tiên so với các vùng nêu trên. Vì vậy, cần phải rà soát, nghiên cứu bổ sung vùng cao vào diện được đầu tư hỗ trợ để tránh vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn thi hành luật.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận ở hội trường về một số nội dung của Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) |
Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, tại khoản 3, điều 5 quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo đối chiếu lại nội dung trên cho phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020. Vì theo phụ lục 2 về danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, kèm theo Nghị định số 31, ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội có các mục được ưu đãi gồm: đầu tư kinh doanh bảo tàng công quốc gia, nhà văn hóa dân tộc, đoàn ca múa nhạc dân tộc, rạp hát, trường quay, cơ sở sản xuất phim, in tráng phim, nhà triển lãm mỹ thuật, điện ảnh, sản xuất, chế tạo nhạc cụ dân tộc…
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của các nhà sản xuất phim, biên kịch và các nhà làm phim, điểm b, khoản 2, điều 11 quy định thực hiện hợp đồng với cơ sở sản xuất phim trên cơ sở thỏa thuận và không trái với quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự quy định tại điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó không quy định lại vấn đề thỏa thuận trong việc thực hiện hợp đồng với cơ sở sản xuất phim tại điểm này, mà có thể quy định việc thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự cho chính xác và tương thích với Bộ luật Dân sự hiện hành.
Thứ tư, về quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong phim, thực tiễn cho thấy, đối với một số bộ phim hay, thu hút người xem luôn gặp phải tình trạng quảng cáo quá nhiều, gây ức chế cho người xem. Cần phải quy định thời lượng quảng cáo trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định.
Thứ năm, về cấp phép phân loại phim, tại khoản 2, điều 27 quy định UBND tỉnh cấp giấy phép phân loại phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng trên địa bàn quản lý. Ngoài thẩm quyền của UBND tỉnh, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định thêm việc ủy quyền cho cơ quan chuyên môn để thực hiện việc cấp giấy phép…
Theo Báo Đắk Nông Điện tử