Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo của Chính phủ gồm: Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tham gia thảo luận về công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tán thành cao với nhiều nội dung trong các báo cáo. Đại biểu cũng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện và chỉ đạo quyết liệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong điều kiện đại dịch Covid-19, những kết quả trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư, phát triển, công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội là rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, về quản lý, sử dụng tài sản công, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế. Quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị thấp.
Việc quản lý đất công, nhà công chưa chặt chẽ để tổ chức, cá nhân và người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích... nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về ngân sách và tiết kiệm, chống lãng phí |
Một vấn đề nữa đó là, Nhân dân hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua và những vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian đến.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng do một số bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên thời gian qua, lĩnh vực đất đai đã phát sinh nhiều bất cập, sai phạm. Nếu không tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến công tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này...
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 2/6 |
Về công tác đào tạo bồi dưỡng và các quy định về chứng chỉ, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ có nhiều cố gắng trong việc rà soát, bãi bỏ nhiều loại chứng chỉ, từng bước tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chậm đổi mới. Hiện nay công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều trùng lắp giữa các cấp đào tạo, bồi dưỡng, nhiều quy định về chứng chỉ trở thành "giấy phép con" trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng lương, chuyển ngạch và gây lãng phí về thời gian, công sức, ngân sách của cả Nhà nước lẫn bản thân những cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa rõ nên mỗi địa phương, đơn vị có những cách hiểu, quy định khác nhau về vấn đề này. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ các bộ ngành có liên quan cần rà soát, hướng dẫn thống nhất để có hướng khắc phục.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cơ bản nhất trí với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Chính phủ.
Để công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần tiếp tục và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan. Chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này, đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản liên qua đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhằm đáp ứng với phát sinh mới từ thực tiễn. Đặc biệt là khung định mức, tiêu chuẩn chi tiết cụ thể, rõ ràng cho từng lĩnh vực.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử