Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 1/11/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xem là “chìa khóa” để Đắk Nông phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Thành lập tổ công nghệ số
Tỉnh Đắk Nông hiện đang triển khai thí điểm về chuyển đổi số (CĐS) tại TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil, trong đó tập trung vào 4 xã, phường, thị trấn gồm: Nghĩa Tân, Quảng Thành (Gia Nghĩa); Đắk Lao, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil).
Đến nay, Sở TTTT đã ký kết chương trình phối hợp triển khai CĐS với các địa phương. Bước đầu, đơn vị đã khảo sát, đánh giá hiện trạng và thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp như: VNPT Đắk Nông, Viettel Đắk Nông, Bưu điện tỉnh Đắk Nông, Công ty Misa (Đắk Lắk) tham gia hỗ trợ các địa phương CĐS.
Quét mã QR code để giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường |
Sở TTTT đã hướng dẫn, hỗ trợ UBND TP. Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, bon, tổ dân phố. Tổ công nghệ sẽ tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng các nền tảng số phục vụ cuộc sống. Đây cũng là "cánh tay nối dài" của Ban chỉ đạo CĐS để triển khai các nền tảng số đến với cộng đồng dân cư.
Toàn tỉnh đã triển khai thành lập 33 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 93 thành viên là cán bộ ban tự quản và hội đoàn thể các thôn, tổ dân phố tham gia. Trước ngày 15/7/2022, 100% thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ được thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. |
Đến nay, các địa phương đã thực hiện niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR code tại bộ phận một cửa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tới giao dịch.
Hiện nay, 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện có cán bộ chuyên trách hoặc giao phụ trách về công nghệ thông tin. Cụ thể: trình độ đại học chiếm 89,29%; cao đẳng 7,14%; trình độ khác 7,14%. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ các ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện CĐS.
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu
Theo đánh giá của Sở TTTT, mặc dù đã được triển khai quyết liệt, nhưng đến nay, tiến độ CĐS của tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu do thực tế thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, hạ tầng về công nghệ thông tin nói chung, hạ tầng công nghệ số nói riêng, còn nhiều hạn chế. Các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh còn thiếu, đa số được mua sắm trước năm 2015, nên đã xuống cấp hoặc hư hỏng.
CĐS đối với tỉnh Đắk Nông được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 09-NQ/TU, gồm có 96 nhiệm vụ, với khái toán tổng kinh phí thực hiện để hoàn thành vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nguồn kinh phí chi tối thiểu 1% ngân sách hàng năm cho CĐS vẫn chưa thể cân đối được.
Hướng dẫn người dân huyện Cư Jút cài đặt phần mềm bán hàng qua sàn thương mại điện tử |
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở TTTT), đến nay, toàn tỉnh đang có khoảng 40% hộ đồng bào DTTS chưa có điện thoại thông minh; khoảng 85% hộ đồng bào DTTS chưa có internet cố định; 40% hộ DTTS chưa có internet di động. Đây là một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất trong CĐS.
Trên tinh thần "toàn diện, toàn dân", từ nay tới cuối năm 2022, Đắk Nông đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và đô thị thông minh; đồng thời, khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh trước ngày 1/11/2022.
Tỉnh tích cực thực hiện có hiệu quả và phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ vượt chỉ tiêu về thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, điện, nước...
Phường Nghĩa Tân ra mắt các Tổ công nghệ số cộng đồng |
Trong tháng 8/2022, toàn tỉnh phấn đấu đạt 100% văn bản điện tử được sử dụng trong điều hành, trao đổi công việc. Cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ được sử dụng trong xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân.
Cổng dịch vụ công trực tuyến cũng hướng dẫn người dân thực hiện và tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang tính bắt buộc. Trước mắt là các dịch vụ công trực tuyến gắn với nhu cầu số đông của người dân như: thủ tục về đất đai, hộ tịch...
UBND cấp huyện, xã sẽ thực hiện chứng thực điện tử cho người dân, doanh nghiệp đối với các giấy tờ đầu vào và hướng dẫn khai báo qua phần mềm, không dùng bản giấy. Phấn đấu đến tháng 9/2022, kết quả sẽ đạt trên 70% và trên 90% vào tháng 12/2022.
Các địa phương phấn đấu 70% dân số trên địa bàn (từ 15 tuổi trở lên) sẽ được cài đặt, sử dụng ứng dụng (app) "Người mua" của sàn thương mại điện tử Postmart.vn hoặc Voso.vn và tài khoản thanh toán điện tử. Việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế số của UBND cấp huyện là một trong những nội dung được đánh giá trong Bộ tiêu chí CĐS. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử