UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 1312/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.
Theo đó, để tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm bảo phù hợp và hiệu quả theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; gắn chuyển đổi số với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ để phục vụ và thích ứng kịp thời với sự phát triển nhanh và sáng tạo của nền kinh tế số theo Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản gắn với chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, tuần hoàn, trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cần phấn đấu đạt được đến năm 2025 như:
Về phát triển Chính quyền số
- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các dịch vụ công trực tuyến có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến.
- Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ quản lý, điều hành, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- 100% văn bản đi, đến được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật); 100% cán bộ, công chức lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ
- 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được trang bị máy tính làm việc ổn định, kết nối mạng một cách đồng bộ, thông suốt, an toàn, bảo mật thông tin.
- 20% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước.
Về phát triển kinh tế số
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và phát triển công nghệ thông minh 4.0 để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm từ 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- Đến năm 2025 có thêm 3 - 4 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải; các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
- Phấn đấu 30% các chủ thể sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được điều khiển tự động.
- Quản lý, giám sát, xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, đặc biệt là quản lý, giám sát các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh (hồ tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng…) bằng công nghệ số.
Về phát triển xã hội số
- Phấn đấu trên 80% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và một số sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Postmart.vn,…
- 50% các chủ thể sản xuất nông nghiệp được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin.
- 50% các chủ thể sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ, hướng dẫn đăng tải và kinh doanh các sản phẩm nông sản của mình trên sàn thương mại điện tử của tỉnh hoặc các kênh bán hàng online.
- 70% các chủ thể sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.
- 50% các chủ thể sản xuất nông nghiệp sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, hệ sinh thái nông nghiệp số.
Để Kế hoạch triển khai đạt hiệu quả, Kế hoạch đã đưa ra 06 nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như:
- 1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số
- 2. Phát triển Chính quyền số
- 3. Phát triển kinh tế số nông nghiệp
- 4. Phát triển xã hội số
- 5. Chuyển đổi số cho các lĩnh vực chuyên ngành
- 6. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ số cơ bản, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực hiện và đôn đốc, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị đảm bảo hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Huy Hoàng