UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1690/QĐ-UBND ngày 14/10/2022 về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông.
Theo đó Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng chính sách có công; tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm phục vụ cho việc thực hiện quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về lĩnh vực công tác xã hội theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế, hợp đồng và điều hành của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh bao gồm: Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, không tự lo được cuộc sống như trẻ em bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, trẻ em mồ côi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp: Trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác; đánh giá các nhu cầu của đối tượng, sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác.
Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp các dịch vụ điều trị y tế, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.
Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội để giúp đối tượng phát triển khả năng tự giải quyết các vấn đề, bao gồm cả giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho những đối tượng có nhu cầu; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em và người chưa thành niên.
Tiếp nhận thông tin hoặc yêu cầu của đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; đánh giá nhu cầu, phân loại và tuyến dịch vụ (chăm sóc, giải quyết trợ cấp xã hội, trợ giúp đối tượng trong các gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi, chăm sóc ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn trong các loại hình cơ sở); hỗ trợ đối tượng tiếp cận dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ trợ giúp pháp lý hoặc kết nối thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội cho đối tượng.
Phối hợp công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội để có kế hoạch nuôi dưỡng tại cộng đồng hoặc đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc; những người không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (sau đây gọi chung là đối tượng tự nguyện).
Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
Tiếp nhận các đối tượng khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Về cơ cấu tổ chức
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có Giám đốc và các Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Hành chính - Kế toán - Công tác xã hội; Phòng Quản lý đối tượng - Y tế.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và bãi bỏ, thay thế các quyết định trước đây quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông.
ST