(Ảnh minh họa)
Nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg, UBND tỉnh Đắk Nông đề ra 08 nội dung thực hiện Chương trình nêu trên tại tỉnh Đắk Nông, cụ thể:
1. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực: tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề cho cán bộ nông thôn mới các cấp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng một số mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, mô hình tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường để tham gia hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ cho địa phương thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
2. Phân loại, thu gom, trung chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý nước thải:
Hướng dẫn và hỗ trợ (kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học…) xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn quy mô hộ gia đình và cộng đồng dân cư và xử lý rác thải tại nguồn quy mô hộ gia đình và cộng đồng dân cư và xử lý rác thải (phân bón hữu cơ, nhựa tái chế…) sau khi phân loại theo hướng tái chế và tuần hoàn khép kín; hỗ trợ hình thành mạng lưới thu gom (các tổ, đội, hợp tác xã trong thu gom, tập kết chất thải) gắn với hoàn thiện điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trước khi xử lý tập trung (đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan) quy mô thôn, xã và xây dựng một số mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình và khu dân cư áp dụng công nghệ phù hợp tạo hiệu ứng lan tỏa.
3.Cấp nước sạch, trữ nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước: Hỗ trợ xây dựng mô hình cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình; hỗ trợ xây dựng thí điểm một số mô hình trữ nước sạch hiệu quả, an toàn cho các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình chưa được tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt tập trung và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung nông thôn hiện có.
4. Kinh tế tuần hòan trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp: xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín, đa giá trị.
5. Cải tạo cảnh quan nông thôn, môi trường làng nghề theo hướng xanh và bền vững: xây dựng mô hình cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng khi bị ô nhiễm; mô hình cảnh quan nông thôn xanh, sạch đẹp gắn với văn hóa vùng, miền; phát triển các tuyến đường hoa, cây xanh bóng mát và mô hình cải tạo môi trường làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn.
6. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở nông thôn: xây dựng mô hình cộng đồng tự quản và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất, chế biến; mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với việc cấp mã số vùng trồng, truy cập nguồn gốc và mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Tổ chức nhân rộng các mô hình hiện có về cấp nước, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm: nhân rộng các mô hình tuyên truyền bảo vệ môi trường cấp cơ sở; các mô hình về cấp nước, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm có hiệu quả để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; …
8. Kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết Chương trình: tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương phân bổ trực tiếp hàng năm cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đang thực hiện trên địa bàn, các nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư ... có liên quan và tham gia trực tiếp các nội dung của Chương trình theo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật.
Tiến Đạt