UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 770/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Mục đích nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện "thương mại hóa", "tư nhân hóa" báo chí; tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang thông tin điện tử, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.
Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện 10 nhiệm vụ cụ thể gồm:
- 1. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
- 2. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời tình trạng "thương mại hóa", "báo hóa" tạp chí điện tử, "báo hóa" trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tình trạng "tư nhân hóa" hoạt động báo chí thuộc địa bàn tỉnh theo phân cấp.
- 3. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai phát triển báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản; hướng dẫn thực hiện các tiêu chí liên quan đến hoạt động báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- 4. Tăng cường cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí Trung ương để đánh giá, xử lý các nhà báo có hành vi, hoạt động "thương mại hóa" báo chí, vi phạm tôn chỉ, mục đích của báo chí.
- 5. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thông tin trên chí, truyền thông.
- 6. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, tạp chí trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý theo quy định các cơ quan báo chí, người làm báo có các hành vi vi phạm pháp luật. Công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và định kỳ báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
- 7. Định kỳ (6 tháng/lần) rà soát, công khai danh sách, đánh giá hoạt động của đội ngũ nhà báo, phóng viên thường trú, phóng viên tác nghiệp thường xuyên của các báo, tạp chí ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn. Kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm, dừng hoạt động văn phòng không đủ điều kiện; phóng viên thường trú không đủ điều kiện hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
- 8. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng.
- 9. Tiếp tục tham mưu, đề xuất ban hành, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí địa phương (định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế đặt hàng báo chí; công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý Nhà nước; quản lý kinh tế, kỹ thuật báo chí; chế độ nhuận bút, thù lao cho báo chí, xuất bản, loại hình truyền thông điện tử).
- 10. Truyền thông rộng rãi để tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, để toàn xã hội và hệ thống báo chí cùng tham gia giám sát.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ phát sinh có liên quan để phối hợp với các cơ quan, đơn vị đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện; định kỳ tổng hợp, tham mưu Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả triển khai thực hiện và các kiến nghị, đề xuất đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
ST