Ngày 30/6, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp – PTNT tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; các đồng chí là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hai tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo báo cáo tại Hội thảo, trong thời gian qua, tình trạng sạt lở đất bờ sông Krông Nô đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông từ xã Quảng Phú đến xã Buôn Choah có 17 điểm sạt lở sung yếu với tổng chiều dài khoảng 7.849m, kéo dài trên địa bàn 5 xã Quảng phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N'Ddir và xã Buôn Choah, các điểm sạt lở thường có bề rộng từ 5 đến 30m, chiều sâu khoảng 5 đến 10m, làm mất khoảng 1.122.671 m vuông đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động xả nước của Thủy điện Buôn Tua Srah, tác động của hoạt động khai thác cát, do quy luật vận động dòng chảy tự nhiên, kết cấu địa chất dọc sông chủ yếu là đất pha cát, tình trạng biến đổi khí hậu, tác động của người dân trong việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp... Trước tình hình đó tỉnh Đắk Nông đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở đất bờ sông Krông Nô như: yêu cầu thủy điện Buôn Tua Srah có kế hoạch xả nước hợp lý, tránh xả nước đột ngột làm thay đổi dòng chảy; Triển khai quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh; Đầu tư xây dựng kè bằng rọ đá để chống sạt lở với tổng chiều dài 1.278m dọc sông tại các vị trí xung yếu…
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tham luận thiết thực như: Ứng dụng Viễn thám để đánh giá sạt lở trên sông - Trường hợp tại sông Krông Nô, tỉnh Đắk nông của PGS. TSKH Bùi Tá Long - Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo của công ty thủy điện Buôn Kuôp về công tác bồi thường hỗ trợ sạt lở bờ sông; Báo cáo phục hồi hệ sinh thái sông của Tây Nguyên làm chân đế cho phát triển của TS. Ngô Thị Bích Đào - CEO, Công ty tư vấn LAPAT quốc tế…
Đ/c Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội thảo đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông mong muốn qua hội thảo này Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị có liên quan của 02 tỉnh nhìn nhận, đánh giá lại các biện pháp kỹ thuật, mô hình tốt nhất, từ đó mà tập trung đầu tư, huy động nguồn lực để ứng phó, thích ứng tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất để chống sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh 02 tỉnh trong những năm tới.
Về phía tỉnh Đắk Nông đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Sở TNMT Đắk Lắk thực hiện các nội dung kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý khai thác cát. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ kết quả hội thảo, chủ động tích cực đặt hàng các nhà khoa học; xây dựng, đề xuất các dự án, các chương trình, đề nghị hỗ trợ từ các nguồn vốn của Trung ương như nguồn vốn phòng chống thiên tai; Xử lý cấp bách phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; ứng phó biến đổi khí hậu… để triển khai các dự án liên quan đến phòng, chống sạt lở sông Krông Nô. ị Ủy ban mặt trận tổ quốc hai tỉnh tăng cường hơn nữa trong việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác cát không đúng quy định nhằm hạn chế các tác động gây sạt lở bờ sông Krông Nô.
Song Thư