Thông tin đối ngoại

Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”
Ngày đăng 18/09/2020 | 15:26  | View count: 8845

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng chỉ còn 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang; cạnh tranh địa chính trị phức tạp. Dự báo khả năng phục hồi của kinh tế thế giới chậm, có thể có những bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu. Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống. Nguy cơ người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập gia tăng mạnh;...

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép": vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan tổng hợp điều phối quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, xã hội. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá.

Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn; nâng cao nội lực của thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trước ngày 30/9/2020 và các quy định liên quan theo hướng mở rộng phạm vi thời gian các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ (mobile money); hoàn thiện, trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trong tháng 10 năm 2020. 

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế; cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, rà soát thu hồi nợ đọng thuế. Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để ban hành kịp thời, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động bởi dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo triển khai có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; tích cực đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, không để xảy ra tình trạng báo cáo không trung thực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát vốn đầu tư, tài sản của Nhà nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương không sử dụng hiệu quả sang cho các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài các giải pháp mạnh mẽ để xúc tiến đầu tư, tranh thủ cơ hội thu hút có sàng lọc dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh phù hợp, khả thi chỉ tiêu sử dụng đất các khu công nghiệp trên toàn quốc.

Bộ Công Thương cùng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng; đồng thời kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh thị trường trong nước với các giải pháp, chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nông sản...; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một số nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Nội Bài; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tiếp tục đẩy nhanh tái đàn lợn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và giá thịt lợn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tham mưu, chỉ đạo ứng phó trước các tình huống thiên tai nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, kiểm tra và xử lý các vị trí đê điều, hồ đập trọng điểm, xung yếu, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cao. Tiếp tục đẩy nhanh tái đàn lợn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và giá thịt lợn, chủ động có giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2020-2021 gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm môi trường giảng dạy và học tập an toàn cho giáo viên và học sinh. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các sân bay, khu du lịch

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, hiệu quả, bảo đảm an toàn với dịch bệnh; đề xuất phương án phòng, chống dịch COVID-19 để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế, bảo đảm an toàn và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; trong đó chú trọng nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các sân bay, khu du lịch… Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai công tác kiểm soát, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những nỗ lực của toàn xã hội trong việc thực hiện ‟mục tiêu kép"; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc xây dựng nền tảng hạ tầng số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ Ngoại giao tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị, diễn đàn cấp cao liên quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bộ Quốc phòng nắm chắc diễn biến, phân tích, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là trên biển Đông để có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.  

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, nơi cư trú; tiếp tục mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh trật tự. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành đến cuối năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương để hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ duyệt; trên cơ sở đó giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ thống nhất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp phương án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Riêng số vốn năm 2020 do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị chuyển trả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25/9/2020 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020.

Về thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020, Chính phủ thống nhất cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được giải ngân toàn bộ số kế hoạch đầu tư vốn các năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Về thời gian phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 còn lại chưa được giao chi tiết cho từng dự án, Chính phủ thống nhất thời hạn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án đến ngày 30/9/2020. Sau thời hạn này, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 chưa giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tổng hợp chung trong phương án cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và giải ngân tốt.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường) trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ và quyết nghị:

- Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại Khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2021 (thay vì ngày 31/12/2020)

- Cho phép gia hạn đến hết ngày 31/12/2021 đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp) thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

- Cho phép gia hạn đến hết ngày ngày 31/12/2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại ĐTM đã được phê duyệt nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, chủ động thông tin, hướng dẫn công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai. Đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, chống tiêu cực, tham nhũng; phòng, chống ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Theo chinhphu.vn