Văn hóa xã hội

Tầm nhìn mới cho công tác dân tộc: Nhận diện “vùng lõm” trong chính sách giảm nghèo (Bài 2)
Publish date 23/07/2021 | 16:17  | View count: 102928

Tình trạng nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn đang là một thách thức lớn nhất hiện nay; trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là người DTTS. Một phần nguyên nhân là do việc thiết kế, thực thi chính sách mới dừng lại ở khâu "cho xâu cá" là chính mà chưa thực sự phát huy nội lực của người dân để "trao cần câu".

Đại bộ phận lao động người DTTS là làm việc giản đơn, thu nhập thấp (Ảnh minh họa)

Vẫn nghèo về thu nhập

Những số liệu được các cơ quan có liên quan công bố gần đây đã phác họa một bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình lao động – việc làm của đồng bào DTTS. Đáng chú ý nhất là, dù phần lớn người DTTS trong độ tuổi lao động đều có việc làm nhưng chủ yếu là lao động giản đơn, tức là lao động mà bất kỳ người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được.

Cụ thể, kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, cả nước có hơn 14,2 triệu người thì có khoảng 8,03 triệu người tham gia lực lượng lao động. Đến hết năm 2020, theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về "Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020" của Ủy ban Dân tộc (BC 732), tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 86,1%.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, ở vùng DTTS và miền núi hiện còn gần 122,5 nghìn hộ DTTS ở nhà tạm bợ, dột nát; hơn 58,1 nghìn hộ thiếu đất ở; gần 223,5 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt; còn khoảng 7% hộ DTTS chưa được sử dụng điện lưới quốc gia;…

Nhưng thực tế, "có việc làm" lại không đồng nghĩa với việc lao động người DTTS có thu nhập ổn định, chứ chưa nói là có thu nhập cao. Theo BC 732, hiện nay thu nhập bình quân của lao động người DTTS nay đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011; tuy nhiên, vẫn chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước.

Điều đáng quan tâm là tính ổn định trong việc làm của lao động người DTTS. Số liệu trong BC 732 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động người DTTS hiện ở mức 5,76%, cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung cả nước (2,34%).

Thực trạng có việc làm nhưng thu nhập thấp, lại bấp bênh của lao động người DTTS xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do tính chất của "việc làm" mà lao động người DTTS tham gia. Lâu nay, đại đa số lao động người DTTS đều có việc làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản.

Đây là khu vực sản xuất muốn đạt được giá trị gia tăng cao nhất phải có đủ tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất và trình độ canh tác. Nhưng phần lớn lao động người DTTS lại đang thiếu cả hai điều kiện này.

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS năm 2019, trong khoảng 8,03 triệu người DTTS tham gia lực lượng lao động thì có khoảng 68,6% là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo; số lao động giản đơn người DTTS đại đa số làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản (92,2%). Đó là chưa kể, theo BC 732, hết năm 2020 vẫn còn gần 83 nghìn hộ người DTTS thiếu đất sản xuất.

Bỏ qua yếu tố đặc thù!

Trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc cũng như Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định 449/QĐ - TTg, ngày 12/3/2013, các đề án, chính sách đều hướng tới mục tiêu giảm nghèo cho vùng DTTS và miền núi. Nhưng đến nay, đây vẫn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trong tổng hộ nghèo cả nước đang gia tăng đáng báo động. Theo thống kê Ủy ban Dân tộc, năm 2015, hộ nghèo người DTTS chiếm 45,25% tổng số hộ nghèo cả nước; năm 2016 là 48,22%; năm 2017 là 52,66%; năm 2018 là 55,27%; đến hết năm 2020, tỷ lệ này là 61,29%; trong khi dân số người DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước.

Tình trạng nghèo ở vùng DTTS và miền núi đang là thách thức lớn nhất hiện nay (trong ảnh: Một góc bản Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ - Ảnh TL)

Rõ ràng, tình trạng nghèo của người DTTS đang là thách thức lớn nhất hiện nay. Nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, sự mong manh về điều kiện lao động – việc làm của lao động người DTTS càng làm cho mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng DTTS và miền núi càng thêm nhiều áp lực.

Thực trạng này, đòi hỏi phải nhìn thẳng vào những hạn chế của việc thiết kế, thực thi các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Những nguyên nhân khách quan, kể cả nguyên nhân có chính sách nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện, đã được quan tâm mổ xẻ, nhận diện.

Những điểm yếu này kỳ vọng sẽ được khắc phục căn bản khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đi vào triển khai thực hiện. Vấn đề cần lưu ý là, trong 10 dự án thành phần, với rất nhiều tiểu dự án của Chương trình, các bộ ngành được giao trách nhiệm thực hiện cần xây dựng được những chính sách sát sườn, giải quyết trúng nhu cầu bức thiết của đồng bào.

Không khó để nhận thấy, nhu cầu bức thiết nhất của đồng bào DTTS là thu nhập, là việc làm, từ đó bảo đảm thoát nghèo bền vững. Trong điều kiện khó giải quyết nhu cầu về đất sản xuất thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS là lời giải.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, ở vùng DTTS và miền núi hiện còn gần 122,5 nghìn hộ DTTS ở nhà tạm bợ, dột nát; hơn 58,1 nghìn hộ thiếu đất ở; gần 223,5  nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt ; còn khoảng 7% hộ DTTS chưa được sử dụng điện lưới quốc gia;...

Mặc dù nguồn lực còn khó khăn nhưng Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (giai đoạn 2003-2008 khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 khoảng 690 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 khoảng 998 nghìn tỷ đồng) để thực hiện các chương trình) để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Thực tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhất là khi có Nghị định 05/2011/NĐ-CP. Nhưng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS chưa "trúng", do khâu hoạch định chính sách chưa phù hợp.

Cụ thể, trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ Lao động, Thượng binh và Xã hội được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách dạy nghề chuyên biệt và giải quyết việc làm cho con em người DTTS (thuộc nhóm đề án "Giáo dục đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực). Nhưng bộ này lại đề nghị không thực hiện mà tích hợp vào chính sách dạy nghề gắn với việc làm chung của ngành.

Chính vì bỏ qua các yếu tố đặc thù, chuyên biệt nên lao động người DTTS chủ yếu chỉ được đào tạo nghề dưới 3 tháng; giáo viên dạy nghề gì thì học nghề đó, không gắn với đầu ra, không phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào. Hệ quả là, đại đa số lao động người DTTS vẫn chủ yếu làm việc giản đơn, thu nhập thấp, thoát nghèo thì lâu nhưng tái nghèo rất nhanh.

Đây rõ ràng là một hạn chế cần được lưu ý khi xây dựng chính sách để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn chiến lược dựa trên nền tảng hiểu rõ nhu cầu cả người dân, với mục tiêu vì sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi.

Trích nguồn Báo Dân tộc