Văn hóa xã hội

An ninh nguồn nước cho đồng bào DTTS
Publish date 31/10/2019 | 15:41  | View count: 84997

Những năm qua, chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt đã góp phần ổn định đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Nhưng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp đang đe dọa đến an ninh nguồn nước, đồng thời cũng tạo áp lực mới đối với chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS.

Khô hạn song hành cùng mưa lũ

Trung tuần tháng 8/2019, các tỉnh Nam Trung bộ "oằn mình" trong nắng hạn, nhiều nơi vượt ngưỡng 400C. Cái nắng như thiêu như đốt vắt kiệt cỏ cây; nước bốc hơi cũng rất nhanh, cứ mỗi mét vuông đất ruộng lại mất đi 5 - 7mm nước mỗi ngày.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn (KTTV) quốc gia cho thấy, nền nhiệt ở khu vực này cao hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó, lượng mưa trung bình tại khu vực đều thấp hơn các năm, chỉ đạt 350 - 550mm. Đặc biệt trong các tháng 5 - 7 vừa qua, lượng mưa ở các tỉnh miền Trung chỉ xấp xỉ 45 - 70% so với các năm.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, do ảnh hưởng của El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt), từ đầu năm 2019 đến nay, không chỉ khu vực Nam Trung bộ mà ở hầu hết các vùng trong cả nước, nền nhiệt độ trung bình các tháng có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 10C.

Ông Long nhận định, hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50 - 55%. Do đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung bộ và nhiều khu vực khác dự báo sẽ luôn thường trực.

Trong khi một nửa phía Nam miền Trung nắng nóng kỷ lục thì cuối tháng 8, đầu tháng 9, các tỉnh Bắc miền Trung lại đón lũ lớn. Từ Thanh Hóa vào đến Quảng Trị, nhiều xã, bản tại các huyện miền núi bị nước lũ chia cắt, nhiều điểm dân cư bị cô lập cục bộ. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9 đã làm hơn 15.000 ngôi nhà bị ngập, 3.700 hộ phải sơ tán, 12.000ha lúa bị ngập, 900 trường phải lùi ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Dù nắng hay mưa đều thiếu nước sinh hoạt

Diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên tất cả mọi phương diện. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra trên diện rộng làm đảo lộn cuộc sống của trăm nghìn hộ dân trên dải đất miền Trung.

Lên huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) vào giữa tháng 8/2019 mới thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân khi thiếu nước sinh hoạt. Những khe suối xa nhất đã được bà con lần tìm để lấy nước cũng chẳng thể đáp ứng cho hơn 3.000 hộ dân trên địa bàn huyện trong cơn nắng hạn.

Không chỉ vào mùa khô hạn mà sau mưa lũ, tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt lại càng trầm trọng hơn. Hệ thống sông suối sau mưa lũ bị ô nhiễm nặng do rác từ thượng nguồn theo nước tràn vào, trong khi đây vẫn là nguồn cấp nước tự nhiên cho người dân miền núi.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Trong khi đó, chỉ sau một lần nắng hạn hoặc mưa lũ, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (tập trung và phân tán) được xây dựng ở miền núi sẽ bị phá hủy hoặc không còn khả năng cấp nước. Nội dung này sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong số báo tiếp theo.

Trích nguồn: http://baodantoc.com.vn/