Văn hóa xã hội

Bảo tồn, khôi phục nghề đan lát truyền thống của đồng bào M’nông
Publish date 11/03/2020 | 15:55  | View count: 248450

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đồng bào M'nông có nhiều nghề thủ công, trong đó có nghề đan lát truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghề đan lát của đồng bào M'nông thường do nam giới đảm nhận. Những lúc nông nhàn, đàn ông M'nông thường tạo nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, dụng cụ đánh bắt cá. Đôi khi, các sản phẩm làm ra còn được dùng để trao đổi lấy lương thực, thực phẩm, công cụ lao động với gia đình khác để tăng thêm nguồn thu nhập.

Nghệ nhân xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đan gùi

 

Trước đây, hầu hết thanh niên M'nông đến tuổi trưởng thành đều biết đan lát. Những chàng trai khéo léo, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp còn được cộng đồng tôn trọng, các cô gái "để ý" nhiều hơn. Trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hằng ngày, đồng bào cần rất nhiều vật dụng từ đan lát như: bồ lúa, gùi, nia, túi đựng cơm, rổ xúc cá, giỏ đựng cá…

Theo nghệ nhân Y Ganh ở bon Yun Yúh, xã Đức Minh (Đắk Mil), nguyên liệu dùng trong đan lát của người M'nông thường được khai thác từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm các loại cây thuộc họ tre (tre, nứa, lồ ô…) hoặc loại dây leo (mây, cói, dây rừng…). Ngoài ra, còn có các loại vỏ cây (sâm lũ, sim rừng, cóc rừng, gạo…). Các loại vỏ cây này mềm nhưng có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm. Những nguyên liệu này được lựa chọn bằng kinh nghiệm thực tế của người đan lát. Bà con thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì nếu tre non thì rất giòn, dễ gãy và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng không có trăng, bởi vì cây tre đầu tháng chứa nhiều nước nên mất nhiều thời gian khi sấy và dễ bị mọt. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để bảo đảm độ dẻo. Đồng thời, những cây mây, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn.

Sau khi đã chọn được mây, tre đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc vót nan. Công đoạn vót nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện cho một sản phẩm đẹp, do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. Chẻ nan mỏng hay dày là tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Chẻ nan xong thì phải chuốt nan sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Nan chuốt xong đem treo lên giàn bếp trong một thời gian nhất định mới đan được.

 

Một số sản phẩm đan lát thủ công tinh xảo của đồng bào M'nông. Ảnh tư liệu

Nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm. Đồng bào có nhiều kỹ thuật đan như: cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác, cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sáng tạo. Vì vậy, đồng bào đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển đến một số vật dụng được dùng trong các nghi lễ, với các kiểu dáng phong phú như: gùi có thân cuốn hình trụ, đáy vuông; nia hình lá đề (hay còn gọi nia hình trái tim); rá đựng cơm miệng tròn, đế hình vuông; chụp mối hình chóp; lồng nhốt cá hình trụ tròn; chuồng nhốt gà các loại (hình khum có đáy chữ nhật; hình khối vuông có chóp tròn và vô vàn những hình khối khác).

Tùy từng loại sản phẩm, đồng bào sử dụng những kỹ thuật đan khác nhau. Nghệ nhân K'Tiêng ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: "Thường thì những người đan lát giỏi sẽ được mời đến các gia đình khác trong cộng đồng để tham gia các công việc quan trọng của bon. Đây cũng là một trong những niềm tự hào của gia đình, dòng họ".

Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung đã có nhiều thay đổi. Với sự xuất hiện của những vật dụng bằng nhựa, kim loại được bày bán nhiều trên thị trường, bà con đã ít dùng những vật dụng từ nghề đan lát truyền thống. Tuy nhiên, qua thống kê, trên toàn tỉnh vẫn còn 363 nghệ nhân biết nghề đan lát truyền thống; trong đó gần 300 nghệ nhân là đồng bào dân tộc M'nông.

Để bảo tồn nghề đan lát truyền thống của đồng bào M'nông, trong những năm qua, ngành văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương, các nghệ nhân ở các bon, buôn đã mở được nhiều lớp dạy đan lát. Đặc biệt, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai Dự án khôi phục làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào M'nông ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong). Mục đích của dự án là vừa bảo tồn vừa tạo sinh kế cho người dân thông qua các sản phẩm để bán cho khách du lịch. Hiện tại, làng nghề đan lát ở bon Kon Hao đã được đưa vào trong 44 điểm của tuyến du lịch thuộc Công viên địa chất Đắk Nông.

Trích nguồn: http://baodaknong.org.vn