Hoạt động ban

Qúa trình hình thành phát triển của cơ quan làm công tác dân tộc
Ngày đăng 17/09/2018 | 14:15  | View count: 5198

Kể từ ngày ra đời và suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam  luôn thực hiện nhất quán quan điểm Đại đoàn kết dân tộc và khẳng định"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Trong thư gửi Đại hội các DTTS Miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:"Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". Và tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi được Quốc Hội thông qua ngày 28/11/2013 có ghi "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển". 

 

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, công tác dân tộc càng được Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch đặc biệt quan tâm. Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiếu số. Chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 09/9/1946, Phó thự Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ đã ký Nghị định số 359 quy định cụ thể về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Nha dân tộc thiểu số  với chức năng nhiệm vụ là "xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam";  "Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố, trên nguyên tắc, bình đẳng, sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam". Nha Dân tộc thiểu số gồm có 06 phòng ban chính gồm có: Văn phòng, Ban Nghiên cứu, Ban Tuyên truyền, Ban Thanh tra, Ban Kinh tế, Ban Tiếp đãi phụ trách việc đón tiếp các đồng bào thiểu số. Giám đốc Nha Dân tộc thiểu số là Đồng chí Hoàng Văn Phùng.

 

Năm 1947, thành lập Tổ Nghiên cứu dân tộc thuộc Ban Mặt trận - Dân vận Trung ương do Đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách và chỉ đạo, giúp Trung ương chỉ đạo về công tác dân tộc. Đầu năm 1955 "Thành lập Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương. Về mặt chính quyền, bộ máy dân tộc thiểu số trực thuộc Thủ tướng Chính phủ và tạm thời đặt ở Ban Nội chính". Từ đây cơ quan dân tộc có 02 chức năng gồm tham mưu cho Trung ương Đảng về vấn đề dân tộc và giúp Chính phủ phụ trách một số nhiệm vụ quản lý về công tác dân tộc. Ngày 01/02/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 447/TTg, quy định cụ thể nhiệm vụ của Tiểu Ban Dân tộc; ngoài những nhiệm vụ nói trên, bổ sung thêm việc soạn và xuất bản tài liệu giới thiệu về các dân tộc. Tiểu Ban Dân tộc Trung ương do đồng chí Bùi Sang làm Trưởng Ban.

 

Năm 1959, thành lập Ủy ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ và có quyền hạn trách nhiệm ngang Bộ. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Chính phủ nghiên cứu và thực hiện chính sách dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc theo nguyên tắc: bình đẳng, tương trợ và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt theo Chủ nghĩa Xã hội. Ngày 6/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 102/TTg quy định nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc; về Bộ máy tổ chức Ủy ban Dân tộc gồm có Văn phòng, Vụ Nội chính, Vụ Nghiên cứu, Vụ Tuyên giáo, Trường Cán bộ Dân tộc và một số đơn vị sự nghiệp.

Thời kỳ 1959 - 1960, đồng chí Chu Văn Tấn là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Năm 1961, tại Nghị định số 133/CP ngày 29/9/1961 của Chính phủ "Ủy ban Dân tộc là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, nhà nước nhằm tăng cường đoàn kết các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng và tương trợ, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số cùng nhân dân toàn quốc tiến nhanh về mọi mặt lên chủ nghĩa xã hội". Từ thời kỳ 1960 - 1976, Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là đồng chí Lê Quảng Ba. Thời kỳ 1976 - 1979, đồng chí Vũ Lập là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

 

Năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 38/QĐ-TW ngày 14/5/1979, quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức Ban Dân tộc Trung ương và các tỉnh địa phương "Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương hoặc cấp ủy địa phương về vấn đề dân tộc ít người". Từ năm 1979 - 1982, đồng chí Hoàng Văn Kiểu là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm UBDT của Chính phủ. Thời kỳ 1982 - 1989, Trưởng Ban Dân tộc Trung ương là đồng chí Hoàng Trường Minh.

 

Từ năm 1989 - 1992, đồng chí Nông Đức Mạnh là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương. Ban Dân tộc Trung ương đã cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu chuẩn bị nội dung để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 27/11/1989, về "Một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi". Đây là văn kiện quan trọng của Đảng, mở đường cho sự đổi mới về công tác dân tộc và Đồng chí Hoàng Đức Nghi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc từ năm 1990 và sau đó là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi từ năm 1992 - 2002. Ngày 7/9/1993 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 456/TTg cơ quan đặc trách về công tác dân tộc Khmer Nam bộ được thành lập trên cơ sở chuyển phân Ban Dân tộc Nam bộ (thuộc Ban Dân tộc Trung ương trước đây).

Năm 1992, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất hai cơ quan Ban Dân tộc Trung ương và Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành cơ quan Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Năm 2002, theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI, số 02/2002/QH11 ngày 5/8/2002, Ủy ban Dân tộc và Miền núi trở lại với tên gọi Ủy ban Dân tộc (như năm 1959), thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định số 51/2003/NĐ-CP, ngày 16/5/2003 (2003-2008), Nghị định số 60/2008/NĐ-CP, ngày 09/5/2008. Từ năm 2002 - 2007 đồng chí Ksor Phước làm Bộ Trưởng, Chủ Nhiệm UBDT.

 

Theo quyết định 247/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBDT có các thành viên gồm các đồng chí: Bộ trưởng, các Phó Chủ nhiệm và một thứ trưởng của các bộ KHĐT, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động -Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, thể thao và Du lịch, tài nguyên và môi trường.

 

Nghị định số 84/2012/NĐ-CP, ngày 12/10/2012, của Chính phủ qui định Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, có tổ chức bộ máy cụ thể: Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Thời kỳ từ năm 2007 cho đến 4/2016 đồng chí Giàng Seo Phử là Bộ Trưởng, Chủ nhiệm UBDT.

 

Ngày 9/4/2016 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII,  đồng chí Đỗ Văn Chiến UVBCHTW Đảng được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT

Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc được thành lập và kiện toàn tại 52 tỉnh., các phòng dân tộc được thành lập đối với huyện có ít nhất 5000 người  DTTS. Hệ thông cơ quan công tác Dân tộc đã hình thành và từng bước được củng cố  từ Trung ương đến địa phương.

 

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 14/10/2008, lấy ngày 03 tháng 5 hàng năm là Ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc".

 

Từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc hôm nay - một chặng đường 72 năm lịch sử - Cơ quan công tác dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác dân tộc.

 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, đạt được những thành tựu to lớn tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền bình đẳng giữa các dân tộc thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo hướng nhiều thành phần và sản xuất hành hóa; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa … có tiến bộ; văn hóa truyền thống các dân tộc được tôn trọng và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đã đạt được một số kết quả quan trọng. Công tác quy hoạch, kế hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường và đổi mới; năng lực quản lý của cơ quan làm công tác dân tộc được nâng lên rõ rệt, tổ chức bộ mày của cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương từng bước được kiện toàn, củng cố; công tác đào tạo đội ngũ làm công tác dân tộc được quan tâm hơn trước. Sự phối hợp giữa cơ quan làm công tác dân tộc với Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương ngày càng chặt chẽ.

 

Với truyền thống  yêu nước, lòng tự  hào dân tộc và tinh thần đấu tranh bất khuất, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, dưới sự lãnh đạo của các vị tù trưởng, tộc trưởng đã đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân lên cao nguyên M'Nông.

Năm 1943, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở cao nguyên M'Nông được thành lập trong ngục Đăk Mil. Từ đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Đăk Nông thực sự có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

          Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban, Phạm Sĩ Vịnh làm phó ban, các ủy viên Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông Niê Kđăm, YBih Alêô, Thái Xuân Đồng. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời do Phạm Sĩ Vịnh làm Chủ tịch và Yblô làm Phó chủ tịch, đã lãnh đạo nhân dân các địa phương trong tỉnh đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. 

 

          Cách mạng tháng Tám thành công  trên địa bàn Đăk Nông, nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Tây Nguyên anh hùng.

 

          Mặc dù gặp nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương trong địa bàn Đăk Nông nói riêng đã diễn ra đúng thời cơ và giành thắng lợi, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả  nước.

 

Năm 1960, tỉnh Quảng Đức được thành lập, Ban Cán sự Đảng tỉnh ra đời và chủ trương kiện toàn tổ chức Đảng, trước hết là Ban Cán sự Đảng các huyện, nhằm tạo điều kiện tăng cường tổ chức xây dựng thực lực cách mạng trên các địa bàn trọng điểm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ- Diệm trở nên cấp bách, nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị cùng đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và đánh đổ ách thống trị của bọn tay sai phản động, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Tại Quảng Đức, Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo các huyện tổ chức Đại hội để thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng  của các địa phương.

 

Sau Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng các huyện, các đại biểu, già làng tỏa về các buôn làng vận động nam nữ thanh niên hăng hái tham gia lực lượng vũ trang và các đoàn thể cách mạng ở địa phương, điển hình như các buôn Yok Linh, Iarah (Đức Lập). Uỷ ban Mặt trận các cấp chú trọng công tác tuyên truyền vận động tăng cường đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng ở các buôn, bon đứng lên phá kìm, chuyển sang thế đấu tranh bất hợp pháp chống địch; tập trung xây dựng củng cố vùng căn cứ kháng chiến, tích cực sản xuất tự túc lương thực; hăng hái đóng góp sức người, sức của cho công tác hành lang; góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và củng cố các đội công tác vũ trang tuyên truyền vào sâu vùng địch.

 

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ tỉnh Quảng Đức (cũ) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào M'Nông, Ê Đê, Mạ tham gia kháng chiến thông qua nhiều tổ chức cách mạng, đặc biệt là tổ chứcMặt trận dân tộc giải phóng. Đảng bộ coi trọng công tác phát triển Đảng viên trong đồng bào các dân tộc thiểu số, chỉ đạo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu cách mạng.

 

Tổng kết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Mil, huyện Đắk R'Lấp và 3 xã Nâm Nung (huyện Krông Nô), Đạo Nghĩa (huyện Đắk R'Lấp), Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) đã  được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lục lượng vũ trang nhân dân.

Chặng đường đấu tranh giải phóng quê hương của nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Nông qua 2 cuộc kháng chiến tuy không dài về mặt thời gian so với cả quá trình lịch sử của dân tộc nhưng đầy gian khổ, hy sinh và vô cùng anh dũng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sát cánh, chung lòng cùng với đồng bào Kinh kết thành sức mạnh tổng hợp, lần lượt đánh tan nhiều chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần cùng cả nước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang, thống nhẩt đất nước mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Trong công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã bắt tay vào khôi phục, đẩy mạnh sản xuất. Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước đồng bào các dân tộc đã tập trung vào công cuộc khai hoang, phục hoá, thâm canh tăng năng suấtsản xuất lương thực, từng bước phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận với các hoạt động văn hóa – văn nghệ, nâng cao dân trí, từng bước xóa nạn mù chữ; sức khỏe được chăm sóc, mạng lưới y tế cơ sở mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đời sống tinh thần được tăng lên, văn hoá truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

 

Trải qua các thời kỳ cách mạng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông luôn giữ vững truyền thống đoàn kết gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột và giúp nhau trong sản xuất; một lòng theo Đảng cộng sản Việt Nam và vững một niềm tin vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Ngày nay, truyền thống ấy đang phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

Ngày 1/1/2004 tỉnh Đăk Nông được thành lập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ngay từ những ngày  đầu thành lập tỉnh, Đảng bộ đã hết sức quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc,  song song với việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình 134, 135, 168, 139, v.v…, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách có liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số:  Đó là Chỉ thị 04-CT/TU, ngày 7/5/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về kết nghĩa giữa các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, đối với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2004 của Tỉnh ủy về "đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện"Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/4/2006 về công tác cán bộ dân tộc thiểu số  ; Chương trình hành động 04 về công tác Dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2016; UBND tỉnh đã xây dựng  ban hành và trình HĐND tỉnh thông qua Dự án phát triển bền vững thôn, bon, buôn trọng điểmđề án "Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của đồng bào M'Nông",  Nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên người DTT;  QĐ 01/2010/QĐ-UBND ngày 14/01/2010 về việc ban hành qui định ghi tên dòng họ M Nông; Chỉ thị 26/CT-UBND ngày 13/12/2010 về việc tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ lãi luất cho đồng bào DTTS tại chỗ vay vốn tại ngân hàng thương mại và nhiều chương trình chính sách khác v.v… 

 

Từ sau ngày  thành lập tỉnh  đến nay, việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các  chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ về chính sách dân tộc đã góp phần  ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hoá,.v.v..được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong việc giao thông đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo; hiện nay 100% xã, phường, thị trấn có đường giao thông và điện sinh hoạt, tỷ lệ bon, buôn có 1-2 km đường nhựa thực hiện đạt 100%.   

 

Đối với tỉnh Đak Nông với đặc điểm là một trong những tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh  luôn ý thức được vai trò trách nhiệm của mình về công tác dân tộc, để tổ chức thực hiện được tốt công tác này, tỉnh luôn luôn duy trì cơ quan làm công tác dân tộc để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác dân tộc.

 

Ngày 1/1/2004, UBND tỉnh đã ra quyết định số 20/2004/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc tỉnh Đak Nông, Đồng chí Trịnh Ngọc Bổ được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban, đến tháng 10/2008 đ/c nghỉ hưu, đồng chí K Bốt được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng ban; Ngày 1/12/2015 đồng chí K'Bốt được điều động nhận công tác tại huyện Tuy Đức, UBND tỉnh đã điều động và bổ nhiệm đồng chí Hà Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, phó Ban tuyên giáo tỉnh ủy về giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc; Tháng 4 năm 2017 đồng chí Phan Đình Hiến được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng ban thay đồng chí Hà Thị Hạnh nhận nhiệm vụ mới.

 

Cơ quan làm công tác dân tộc được thành lập kể từ ngày tỉnh được thành lập, có hệ thống tổ chức hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở và được duy trì hoạt động. Cơ quan làm công tác dân tộc trong tỉnh không những là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác dân tộc, mà còn là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc, là nơi để đồng bào thổ lộ tâm tư tình cảm nguyện vọng của mình đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp.

 

Việc xây dựng củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ quan làm công tác dân tộc vững mạnh, hoạt động ổn định không những là trách nhiệm của Ban Dân tộc, mà còn thể hiện trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân; sẽ góp phần to lớn trong việc thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, sự ổn định về chính trị, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

 

          Qua 14 năm hoạt động Ban Dân tộc tỉnh Đak Nông luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND  ban hành nhiều chính sách  có liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số; làm tốt công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách trên địa bàn;  Đối với cấp huyện hiện nay 8/8 huyện thị đã kiện toàn bộ máy phòng Dân tộc, được bố trí từ 4 - 6 cán bộ, công chức, bước đầu tham mưu cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn.

 

          Đánh giá và ghi nhận thành tích đạt được của Ban Dân tộc tỉnh năm 2014 Thủ tướng Chính phủ  đã tặng Bằng khen cho Ban Dân tộc đã có thành tích xuất sắc từ năm 2010-2014; Ủy Ban dân tộc đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho Ban Dân tộc Đak Nông có thành tích trong các năm  2013, 2014, 2015 và giai đoạn 2011-2015; năm 2014 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị thi đua xuất sắc; năm 2015 được UBND tỉnh công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong quá trình công tác đơn vị đã có 01 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, 01 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cá nhân,  tập thể được UBDT và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 

          Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (03/5/1946 – 03/5/2018), Ban Dân tộc tỉnh xin ghi nhận công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc; Trong thời gian tới cán bộ, công chức làm công tác dân tộc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chỉ thị số 1971/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với phương châm, "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển"./. 

                                                                                           T. Long