BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Đại biểu Quốc hội Ka H’Hoa góp ý kiến tại Hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Ngày đăng 15/11/2018 | 16:53  | View count: 5474

Sáng 15/11, tại phiên thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H'Hoa đã tham gia góp một số ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Ka H'Hoa  - Ảnh Truyền hình Quốc hội
 

Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

Điều 72 dự thảo Luật quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông. Đồng thời, tại Điều 119 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Đại biểu Ka H'Hoa nhất trí với việc nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Tuy nhiên, để việc nâng chuẩn giáo viên mang đạt hiệu quả, đại biểu Ka H'Hoa cho rằng cần tính toán lộ trình cụ thể hơn, đồng thời cần xem xét việc bố trí nguồn lực để thực hiện.

Đại biểu Ka H'Hoa giải thích, theo báo cáo đánh giá tác động thì chỉ tính riêng số giáo viên mầm non là 107.150 người cần đào tạo đạt chuẩn như quy định của dự thảo Luật cần gần 900 tỷ đồng, chưa tính kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn 159.934 giáo viên tiểu học, 78.974 giáo viên trung học cơ sở cần được bồi dưỡng đạo tạo đạt chuẩn; ngoài ra kinh phí chi thêm để hỗ trợ chính sách không thu học phí trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS diện công lập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập phải cần đến một nguồn lực rất lớn. Những chính sách này nếu hỗ trợ từ ngân sách thì chủ yếu lấy ngân sách từ địa phương, vì vậy sẽ rất khó khăn cho các tỉnh nghèo. Còn nếu như không có chính sách hỗ trợ hợp lý từ ngân sách nhà nước, việc nâng chuẩn giáo viên sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân giáo viên. Do vậy, nếu đã đề ra chính sách cần bố trí nguồn lực đầy đủ để đảm bảo tính khả thi.

Về chế độ cử tuyển

Điều 84 dự thảo Luật quy định: "Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học"

Đại biểu Ka H'Hoa khẳng định, chính sách cử tuyển với các dân tộc ít người là một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo đại biểu,  nếu chỉ xác định qua cử tuyển để tạo nguồn nhân lực cho cơ quan nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn là chưa đủ. Thông qua cử tuyển, tăng thời gian học dự bị đại học để từ đó nâng cao chất lượng học sinh cử tuyển khi ra trường thì cơ hội việc làm cho người cử tuyển sẽ lớn hơn, bên cạnh đó cũng góp phần nâng cao nguồn lực và nâng cao dân trí cho khu vực này.

Một điều nữa về chính sách cử tuyển mà đại biểu Ka H'Hoa nhấn mạnh đó là nhu cầu cử tuyển của các địa phương đang giảm dần theo từng năm. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2007 đến 2013 có 12.805 chỉ tiêu cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với 55/63 tỉnh có học sinh tham gia cử tuyển thì hiện nay có 8 tỉnh có học sinh cử tuyển với số lượng là 78 người. Số lượng cử tuyển khá khiêm tốn này, theo đại biểu là có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là sinh viên cử tuyển ra trường không tìm được việc làm. Việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay chỉ là một nguồn giải quyết việc làm cho người đi học theo chế độ cử tuyển. Do đó, việc xác định chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển là rất quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ về nội dung này.

Về chính sách học bổng và trợ cấp

Khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho toàn khóa học... Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm, nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng.

Đại biểu Ka H'Hoa đồng ý với chính sách trên, việc này nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, để quy định khả thi, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ "sau khi tốt nghiệp và công tác trong ngành giáo dục trong thời gian bao lâu thì được hưởng khoản tín dụng sư phạm trên".

Bên cạnh đó, quy định trên mới chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng, sư phạm và ra trường công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định. Đại biểu Ka H'Hoa đề nghị cần xem xét và mở rộng đối tượng được hưởng tín dụng sư phạm ra đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng khác và công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định. Vì trên thực tế, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành giáo dục không chỉ là từ nguồn sinh viên sư phạm mà còn tốt nghiệp các trường khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

T.T