Nội dung bài viết

Về Đắk R'tíh nhớ N'Trang Lơng
Ngày đăng 31/08/2020 | 15:31  | View count: 92356

Khi nhắc đến người anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, điều đầu tiên là một con người đầy ý chí, nghị lực đoàn kế dẫn dắt các tù trưởng kháng chiến chống lại ách đô hộ thực dân trên mảnh đất Tây Nguyên Đắk Nông. Cuộc khởi nghĩa của ông kéo dài 1/4 thế kỷ (từ 1912 đến 1936), đỉnh điểm trận đánh lịch sử ấy là trận nghi binh của nghĩa quân Nơ Trang Lơng tiêu diệt chỉ huy Henri Maitre tại đồn Bu Nôrp diễn ra vào tháng 7 năm 1914.

Phác họa hình ảnh anh hùng Nơ Trang Lơng

Đọan quốc lộ 14 từ Gia Nghĩa đi TP.Hồ Chí Minh, tại địa phận Kiến Đức, có một con đường mang tên N'Trang Lơng dẫn về bon Bu Par (còn có tên là bon Pu Pơ). Mất gần 30 phút đi xe ô tô, chúng tôi đến khu vực bon Bu Par khi xưa. Bon Bu Par thuộc khu vực suối Đăk  Đư, nay thuộc địa bàn xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đây chính là quê hương của người anh hùng N'Trang Lơng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bon làng đã nhiều lần dời chuyển khi bên này lúc bên kia suối, nhưng địa danh Bu Par đã đi vào lịch sử và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. 

Trên cao nguyên người M'Nông này, không ai không biết câu chuyện về người anh hùng dân tộc N'Trang Lơng. Các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào M'nông từ nam nữ, trẻ già ai cũng tôn kính, biết ơn vị anh hùng dân tộc N'Trang Lơng. Tên của người anh hùng đã hàm chứa tình cảm của người dân Tây Nguyên dành cho ông.

Trang sử N'Trang Lơng đã trở thành huyền thoại về tinh thần anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương của các dân tộc Tây Nguyên. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên các dân tộc Tây Nguyên. Vùng đất bazan màu mỡ giàu tài nguyên khoáng sản không nằm ngoài sự thèm khát của người Pháp. Đồn Bu Me'Ra nơi đặt trung tâm cai trị của Trưởng phái bộ khảo sát Đông Cao Miên Henri Maitre hàng ngày thách thức lòng tự tôn của người dân cao nguyên vốn đề cao tinh thần tự cường và sự phóng kháng. Để khuất phục người bản địa, quân Pháp không từ một hành vi dã man nào, chúng cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc lan tràn. Nhiều thủ lĩnh địa phương đã nổi dậy đánh Pháp nhưng không thành. Năm 1912, thủ lĩnh người M'Nông là N'Trang Lơng đứng lên lãnh đạo người Mạ, người S'tiêng, người M'nông vũ trang chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa lan rộng trên cao nguyên, thu hút hàng chục tù trưởng và nhân dân các buôn làng khắp vùng Đắk Rtih dọc biên giới Campuchia tham gia chiến đấu. Bằng cung nỏ, súng thô sơ, gươm đao gậy gộc, nghĩa quân đã khiến người Pháp mất ăn mất ngủ. Đỉnh cao là trận phục kích giết chết Henri Maitre tháng 7/1914. 

Thủ lĩnh N'Trang Lơng bị quân Pháp bắt và sát hại năm 1935, nhưng khúc bi tráng Tây Nguyên mà ông và nhân dân Tây Nguyên viết nên đã thấm vào tâm thức xứ sở, làm nên nét kiêu hãnh của cao nguyên suốt chiều dài lịch sử. 

Ngày nay, nhiều thành phố, thị xã đã lấy tên người anh hùng N'Trang Lơng đặt tên cho đường phố, trường học. Tên ông được ghi vào sách sử là anh hùng dân tộc chống ngoại xâm.

Hoàng Nhân