Nội dung bài viết
Cách đây 90 năm, nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An đã làm nên cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam những năm 1930 - 1931, là cuộc đấu tranh đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau khi ra đời.
Vào những năm 1930, với sự áp bức bóc lột hết sức dã man của chế độ thực dân nửa phong kiến, làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới ánh sáng của Đảng, vô sản giai cấp, nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước treo cờ Đảng, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy... đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân; giảm sưu, giảm thuế cho nông dân.
Phát huy tinh thần Xô Viết năm xưa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những quyết sách năng động, sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội; phát huy sức mạnh tổng lực, tạo bước đột phá mang lại những thành quả mới. |
Đặc biệt, từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1930, cuộc đấu tranh của quần chúng đã phát triển lên đỉnh cao phạm vi toàn quốc, quyết liệt nhất là ở Nghệ An - Hà Tĩnh, đã diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân trên quy mô huyện và liên huyện, liên tỉnh. Quần chúng tiến công huyện đường, nhà lao, ty rượu, kho bạc, buộc bọn thống trị phải ký vào văn bản yêu sách của nhân dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày 30/8/1930, của 3.000 nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày 7/9/1930. Sức mạnh như chẻ tre của quần chúng đã làm cho kẻ địch vô cùng hoang mang, lo sợ.
Trong lúc địch đang bối rối, thì ngày 12 tháng 9 nổ ra cuộc biểu tình của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo về thị xã Vinh. Sau khi nghe tiếng trống hiệu lệnh phát ra từ đình làng Xuân Hòa, lập tức tiếng trống, mõ, chiêng đồng loạt hưởng ứng, thôi thúc quần chúng xuống đường. Nhằm đàn áp sự nổi dậy của nhân dân ta, trong ngày 12 tháng 9, thực dân Pháp đã cho máy bay dội bom làm 217 người chết, 125 người bị thương, đốt cháy 277 nóc nhà... Song, sự khủng bố và đàn áp đẫm máu, dã man của thực dân và tay sai không ngăn chặn được phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh. Nhân dân tiếp tục phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh, thẳng tay trừng trị bọn tay sai địa chủ tàn ác, buộc chúng phải nộp con dấu, sổ sách ghi nợ, xoá các loại thuế cho nông dân. Trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện lực lượng vũ trang tự vệ để hỗ trợ cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn thực dân, phong kiến hoảng sợ, nộp lại ấn tín chạy trốn, chính quyền tay sai tan rã ở nhiều nơi.
Ngay sau đó, tại Nghệ An, Tổ chức Nông hội với các hình thức Xô Viết đã nắm chính quyền ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ở Hà Tĩnh, tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà có tới 172 xã thành lập Xô Viết. Trong suốt thời gian tồn tại, các Xô Viết đã đóng chức năng là chính quyền chuyên chính công nông, trấn áp bọn phản cách mạng, tổ chức đời sống sản xuất và tinh thần của nhân dân... Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã giành được sự ủng hộ dưới nhiều hình thức của các địa phương, đồng thời cũng là ngòi nổ kích thích phong trào cách mạng trên toàn quốc dâng cao. Mặc dù cuối cùng các tổ chức cách mạng bị khủng bố và chịu những tổn thất to lớn, nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, dẫn tới sự ra đời chính quyền công - nông đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam - Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Chính quyền Xô Viết đã đem lại những thay đổi to lớn ở nông thôn như: chia lại ruộng đất công, xóa bỏ sưu thuế, đào mương chống hạn, xóa nạn mù chữ, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thành lập các đội tự vệ đỏ để bảo vệ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân... Ghi nhận kết quả to lớn bước đầu của chính quyền Xô Viết và những đóng góp không nhỏ của nhân dân Nghệ - Tĩnh đối với dân tộc, ngày 12/9 trở thành ngày truyền thống Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Phát huy tinh thần Xô Viết năm xưa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những quyết sách năng động và sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo, đón bắt thời cơ, kêu gọi đầu tư, phát huy sức mạnh tổng lực, tạo bước đột phá mang lại những thành quả mới. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã vươn mình, chuyển biến mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế khu vực Bắc miền Trung. Nhiều khu công nghiệp hình thành và trở thành trọng điểm quốc gia như Vũng Áng, Nam Cấm, Bắc Vinh, VISIP… Nhiều công trình hạ tầng được triển khai và hoàn thành với tiến độ đề ra…
Thành phố Vinh – "điểm nhấn" kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển nhanh, ổn định và tương đối toàn diện. Những tòa nhà cao tầng lần lượt mọc lên; các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng; khu du lịch - văn hóa được chú trọng, nâng cấp… trong những năm qua đã phần nào minh chứng sự đổi thay "chóng mặt" cuộc sống của người dân nơi đây. Thành phố Hà Tĩnh đang vươn mình trỗi dậy với sức sống mới. Thị xã Kỳ Anh ra đời ở vùng cực Nam Nghệ Tĩnh, mang lại diện mạo mới cho Hà Tĩnh.
Hôm nay, nơi hình thành những "Làng đỏ" năm xưa đã thực sự thay da đổi thịt. Can Lộc (Hà Tĩnh) vùng đất giàu truyền thống cách mạng sau những lần tiên phong "chuyển mình" như cải cách ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… một Can Lộc mang dáng dấp hiện đại đã hình thành.
Đây là vùng bán sơn địa, có diện tích tự nhiên trên 30 nghìn ha. Phát huy lợi thế có cả đồng bằng và miền núi, Can Lộc đã có những quyết sách phát triển kinh tế phù hợp cho mỗi vùng, miền. Đặc biệt, từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Can Lộc đã có những đổi thay nhờ cuộc "cánh mạng mới" này. Về Can Lộc hôm nay, hương lúa mới tỏa ngát trong nắng vàng mùa Thu báo hiệu một mùa vàng thắng lợi. Những con đường nhựa, bê tông rộng rãi, những ngôi nhà tầng ngói mới đỏ tươi mọc lên san sát, bộ mặt nông thôn mới đã hiện hữu trên mọi làng quê và trong cuộc sống mỗi gia đình.
Đồng chí Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: "Phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đoàn kết một lòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ sự đồng thuận của nhân dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, là huyện thứ hai của Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2025, Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao".
Còn với Hưng Nguyên (Nghệ An), địa phương khởi nguồn cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh đã có bước đột phá trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, Hưng Nguyên có 13/17 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Những nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp mọc lên hàng ngày, đan xen trên khắp phố phường ở Hưng Nguyên, cùng với việc đời sống người dân không ngừng được nâng lên đã vẽ nên một Hưng Nguyên đổi mới với nhiều gam màu chứa đựng sự phát triển vượt bậc.
90 năm đã qua nhưng tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh vẫn được chính quyền và người dân Xứ Nghệ vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng quê hương. Không những vậy, khí thế hào hùng năm xưa đã trở thành động lực để Nghệ An và Hà Tĩnh vượt mọi khó khăn vươn lên xây dựng địa phương giàu mạnh, văn minh./.
Theo dangcongsan.vn