Nội dung bài viết
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế và kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019; Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường; các nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng đầu năm 2020 cơ bản hoàn thành theo chương trình công tác đề ra. Hoạt động vận tải tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của nhân dân kể cả trong các dịp Lễ, Tết. Công tác quản lý bảo trì đường bộ trên các tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 cơ bản được triển khai kịp thời đảm bảo giao thông; Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được đa dạng hóa, việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng đã có những kết quả đáng khích lệ. Việc đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Trong điều kiện phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCov) do đó việc tổ chức tập trung đông người thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông không thể triển khai được, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông như: xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền; phát tờ rơi, cẩm nang; phát mũ bảo hiểm; phát sóng chuyên mục An toàn giao thông trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; phối hợp với Báo Đắk Nông, Báo Đắk Nông điện tử mở chuyên mục, chuyên trang tập trung phản ánh chuyên sâu, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp các vấn đề thời sự trên lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và đường thủy trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Nông phát động cuộc thi làm phim ngắn online với chủ đề "thanh, thiếu nhi với văn hóa giao thông" và cuộc thi "thanh niên vì an toàn giao thông";...
9 tháng đầu năm 2020 lực lượng CSGT toàn tỉnh: dừng kiểm tra và xử lý lập biên bản là: 32.111 trường hợp (5.478 ôtô, 26.632 môtô, 01 xe ba bánh); tạm giữ 4.117 phương tiện (77 ôtô, 4.039 môtô, 01 xe ba bánh) và 24.584 giấy tờ các loại. Ra quyết định xử lý 29.000 trường hợp (5.284 ôtô, 23.716 môtô) = 15.728.790.000đ. Tước GPLX có thời hạn 1.477 trường hợp (303 ôtô, 1.174 môtô) với một số lỗi vi phạm chủ yếu: Vi phạm nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm; vi phạm tốc độ. Đối tượng vi phạm liên quan đến thanh thiếu niên chiếm 55%; Đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm chiếm 0,9%.
Phân tích lỗi vi phạm cho thấy tình trạng người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định còn tương đối cao: 8.720 trường hợp vi phạm; Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện: 2.216 trường hợp; Không đội mũ bảo hiểm: 3.558 trường hợp. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, qua đó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của người dân còn nhiều hạn chế.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, 9 tháng đầu năm tỉnh đã kịp thời tạm đình chỉ, khôi phục hoạt động vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và tình hình diễn biến dịch thực tế tại địa phương; phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều động phương tiện, lái xe vận chuyển 160 người từ tâm dịch Đà Nẵng về cách ly y tế tại địa phương; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau các dịp Lễ, Tết, trong thời gian diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, cụ thể như sau:
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện vận tải trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhất là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết cũng thường xuyên được thực hiện.
Trong 09 tháng đầu năm, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã tập trung thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến Quốc lộ và các tuyến Tỉnh lộ: chủ yếu ưu tiên công tác cắt cây, phát cỏ, nạo vét, khơi thông rãnh thoát nước và dặm vá ổ gà để đảm bảo tầm nhìn và lưu thông thuận lợi trên tuyến.
Sửa chữa rãnh thoát nước đoạn Km 234+350 ÷ Km 236+350 và Km 214+800 ÷ Km 220+800, Quốc lộ 28
Bên cạnh đó công tác sửa chữa định kỳ đối với các tuyến quốc lộ, Tỉnh lộ hiện đang triển khai thi công theo Kế hoạch đề ra.
Sửa chữa tuyến Tinh lộ 4B
Sửa chữa cục bộ nền, móng, mặt đường Quốc lộ 28
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông - công an tỉnh: trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 48 vụ, làm 35 người chết, 30 người bị thương; hư hỏng 85 phương tiện (39 ôtô, 43 môtô, 01 xe ba gác, 01 xe máy kéo, 01 xe gắn máy); thiệt hại tài sản ước tính 1,245 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của người tham gia giao thông gây ra. Trong đó nguyên nhân do đi không đúng phần đường, làn đường và không chú ý quan sát chiếm tới 47,9 % (23/48 vụ) còn lại là các nguyên nhân khác. So với cùng kỳ năm 2019: Số vụ giảm 12 vụ (48/60 vụ =20%), số người chết giảm 01 người (35/36 người =2,8%), số người bị thương giảm 19 người (30/49 người 38,8%).
Cùng với những kết quả đã đạt được trong 9 tháng năm 2020, công tác đảm bảo an toàn giao thông còn một số hạn chế, tồn tại: Nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn cao, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản (như vụ xe tải chở quá tải trọng va chạm liên hoàn gây TNGT tại xã Đắk R'la ngày 13/6/2020 làm 6 người chết và 4 người bị thương); Sự vào cuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông của một số cơ quan, địa phương còn chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa được triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó một bộ phận người tham gia giao thông cho rằng lực lượng chức năng tập trung chống dịch bệnh, giảm tuần ra, xử phạt, dẫn đến tâm lý chủ quan vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, sai phần đường, làn đường, lạng lách, đua xe trái phép, lái xe vượt đèn đỏ, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm... đây cũng là một trong những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nhất là các tuyến đường trọng điểm (các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh); Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe máy có phân khối lớn đến trường vẫn còn diễn ra. Trong quá trình tham gia giao thông một số học sinh chưa chấp hành đầy đủ các quy định về trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, không đúng quy cách; vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi quá tốc độ cho phép, chở quá số người quy định…(trong 9 tháng có 01 học sinh tử vong, 03 học sinh bị thương); Tình hình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, lấn chiếm lề đường làm nơi họp chợ buôn bán vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; Tình hình vi phạm tải trọng phương tiện vẫn còn tiếp diễn, nhất là xe quá tải đường dài… đây cũng là nguy cơ có thể gây ra một số vụ TNGT và gây xuống cấp, hư hỏng hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh; Kinh phí đầu tư xây dựng và bảo trì sửa chữa hệ thống đường giao thông còn hạn chế, chưa kịp thời; nhiều tuyến đường đã khai thác hết hạn sử dụng như chưa được bố trí kinh phí nâng cấp cải tạo.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là: ý thức người tham gia giao thông chưa cao, chưa chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông (phổ biến là: đi không đúng phần đường, làn đường quy định, chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định ...),các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được các cơ quan chức năng kiểm định theo quy định; tuy nhiên, khi tham gia giao thông vẫn xảy ra các sự cố nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống phanh; Công tác quản lý hành lang đường bộ mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn còn diễn ra cần phải tiếp tục được tập trung chỉ đạo phối hợp đồng bộ giữa cơ quan và chính quyền địa phương để giải quyết, xử lý triệt để trong thời tới. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu là không có kinh phí đèn bù giải phóng mặt bằng đất hành lang đừờng bộ; Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; Vẫn còn tình trạng các đơn vị vận tải lợi dụng hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để chạy tuyến cố định trên địa bàn tỉnh
Trong 3 tháng cuối năm các cấp, các ngành, các Tổ chức chính trị - Xã hội, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 08/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề " Đã uống rượu, bia không lái xe"; các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đảm bảo hiệu quả, thiết thực phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn... với nhiều hình thức đa dạng; Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các địa phương; Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; Quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 25/5/2019 về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ; kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.
XR