DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

WHO kêu gọi thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế do COVID-19
Ngày đăng 21/07/2021 | 09:23  | View count: 10154

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các biện pháp hạn chế không nên được nới lỏng quá nhanh. Chúng ta cần thận trọng để không lặp lại những sai lầm tương tự trong quá khứ.
 Ảnh minh họa: AP

Đây là khuyến cáo do Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu – Tiến sỹ Hans Kluge đưa ra và được hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lại trong bản tin ngày 19/7.

Theo quan điểm của quan chức WHO, đại dịch đã khiến tinh thần của nhiều người trở nên mệt mỏi và một lẽ tự nhiên là mọi người đều muốn thư giãn sau khoảng thời gian thử thách… "Tuy nhiên, chúng ta cũng đã ở tình huống này vào mùa hè năm ngoái. Khi các quy định hạn chế được nới lỏng quá nhanh, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số ca nhiễm và tử vong trên khắp khu vực, khiến chúng ta phải quay trở lại trạng thái phong tỏa" – ông Kluge nói.

Ông Kluge cảnh báo, sau một năm hệ thống y tế, trường học, các hoạt động đời sống, các nền kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần phải đối mặt với nhiều sức ép, song chúng ta không thể lặp lại sai lầm tương tự. Theo dự báo của ông Kluge thì đại dịch vẫn kéo dài và còn lâu mới kết thúc.

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, quan chức WHO cũng cảnh báo rằng, dù các hoạt động tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở khắp châu Âu, tuy nhiên, một phần lớn dân số tại khu vực này vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi các biến thể virus có tốc độ lây lan mạnh đang lưu hành.

"Cũng vào thời điểm đó, chúng ta lại chứng kiến sự nới lỏng các biện pháp xã hội và y tế công cộng, dẫn tới sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19. Tỷ lệ chủng ngừa chưa được cao, đặc biệt là những người dễ tổn thương nhất là nguyên nhân khiến số người nhập viện tăng cao, hệ thống y tế bị quá tải dẫn tới hậu quả là nhiều người tử vong" – ông Kluge nói.

Những cảnh báo trên được quan chức WHO đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nhiều khu vực trên thế giới, gồm cả châu Âu đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh chóng.

Châu Âu hiện đang ghi nhận khoảng 1 triệu ca mắc mới sau mỗi giai đoạn 8 ngày và đã có tổng cộng 1,3 triệu ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhiễm của châu Âu đã chiếm 27% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong. Theo số liệu thống kê trên worldometers.info vào trưa 20/7, số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đang tiến sát ngưỡng 50 triệu, với hơn 1,1 triệu ca tử vong. Nga là nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và sắp chạm ngưỡng 6 triệu ca nhiễm.

Những thông tin bất lợi về dịch bệnh đã khiến thị trường chứng khoán châu Âu trải qua phiên giao dịch tồi tệ vào ngày 19/7 khi giá cổ phiếu sụt giảm hơn 2%. Các chỉ số chứng khoán Frankfurt giảm 2,6%, London giảm 2,3%, Paris giảm 2,5%... 

Chỉ số blue-chip trên sàn giao dịch chứng khoán Italy giảm 3,3% vào khi chốt phiên giao dịch ngày 19/7, trong bối cảnh giới đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại rằng biến thể Delta lây lan nhanh chóng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Trong số 451 cổ phiếu giao dịch ngày 19/7 thì có tới 409 cổ phiếu giảm giá, 22 cổ phiếu tăng giá và 20 cổ phiếu còn lại không đổi. Các hợp đồng tương lai cũng giao dịch ở mức thấp hơn, phát đi tín hiệu cho thấy thị trường sẽ có giá mở cửa thấp hơn trong phiên giao dịch ngày hôm nay (20/7)./.

Theo dangcongsan.vn