Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sáng ngày 15/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến với 19 địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên. Dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng chí Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Chiến, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Đ/c Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế vùng miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục giữ được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa phòng, chống dịch COVID-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của vùng đều tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc y tế, người có công, người nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh được đảm bảo.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng Tây Nguyên đạt 7,21% cao hơn mức bình quân cả nước 5,64%. GRDP của vùng Tây Nguyên tăng cao so với cùng kỳ 2020 (2,72%) và cao hơn trung bình cả nước 5,8%, đứng thứ 3 sau vùng Đồng bằng sông Hồng 7,04% và vùng Miền Trung 7,24%. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của Vùng đạt mức tăng trưởng khá trong 2 năm liên tiếp, tăng 4,57%. Ngành dịch vụ của vùng tăng 4,04% do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng- chống dịch Covid-19. Ngành công nghiệp – xây dựng của Vùng tăng mạnh 19,72% so với cùng kỳ, là do các địa phương đã triển khai một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã kiến nghị Bộ KH-ĐT 4 nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, về vốn đầu tư công: Nếu các địa phương cứ phải áp lực chạy theo chỉ tiêu giải ngân thì chất lượng các công trình, dự án sẽ không được bảo đảm. Vì vậy, tỉnh đề xuất với Bộ cần sớm có cơ chế gia hạn hoặc chuyển nguồn vốn đầu tư chưa giải ngân được trong năm 2021 sang năm 2022 cho các địa phương.
Thứ hai, về vấn đề phát triển bô xít, alumin, nhôm: Đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị sớm thông qua Kết luận 10 năm triển khai Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp). Qua đó tạo cơ hội cho Đắk Nông phát triển kinh tế, xã hội và đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia vào năm 2030.
Thứ ba, việc xây dựng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Đắk Nông: Cần sớm được triển khai xây dựng, tạo cơ hội cho Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng phát triển mạnh về kinh tế, nhất là về giao thương cho nông sản.
Thứ tư, Đắk Nông đề xuất Bộ KH-ĐT quan tâm triển khai các dự án liên quan tới vấn đề ổn định dân cư, bảo đảm an sinh xã hội; kết nối, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch…
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến, kiến nghị đề xuất của các địa phương tại Hội nghị; Bộ sẽ tổng hợp các kiến nghị của các địa phương để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 sát với tình hình thực tế, nhu cầu địa phương, gắn với mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm, khâu đột phá của quy hoạch ngành, lĩnh vực; Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, các địa phương vượt qua khó khăn, thực hiện cao nhất chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tấn Lê