Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã, đang khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Theo Sở NN – PTNT, thời gian qua, tăng trưởng khu vực nông nghiệp luôn giữ mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng trên 37%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất, đạt trên 76 triệu đồng. Đến nay, tỉnh đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, thế mạnh, với năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Ngoài việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông" cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh, toàn tỉnh cũng đã được công nhận 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn. Trong đó, 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC ở huyện Đắk Song gồm xã Thuận Hà (416 ha) và Thuận Hạnh (1.133 ha). Hai vùng còn lại gồm Vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An (Đắk Mil) với diện tích 335 ha và Vùng sản xuất lúa xã Buôn Choáh (Krông Nô), diện tích gần 550 ha.
Nông dân xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã chuyển đổi đất trồng cây đậu sang trồng bắp cải, cho lợi nhuận cao hơn |
Ngoài ra, tỉnh hiện có 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 47 sản phẩm OCOP. Thị trường xuất khẩu nông sản đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ USD (năm 2021).
Những kết quả trên đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc tập trung thúc đẩy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn còn bộc lộ những hạn chế như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, canh tác tự phát… Các hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn nhiều yếu kém, chưa phát huy được vai trò "đầu tàu", cầu nối để phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Giá vật tư phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi… tăng cao dẫn đến giá thành tăng, sức cạnh tranh thấp. Hệ thống khuyến nông bị đứt gãy, việc chuyển giao khoa học còn chậm, chưa bắt kịp với xu hướng mới…
Xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) quy hoạch đất trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế để phát triển bền vững |
Đây là những "nút thắt" làm cho nông dân chưa phát huy được tính tự chủ, phát triển quy mô, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đồng thời, khiến nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, nhưng "thua ngay tại sân nhà"...
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả, bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc gỡ "nút thắt" về tổ chức sản xuất về đất đai, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phát triển quy mô sản xuất hàng hóa…
"Đi đôi với phát triển nông nghiệp, tỉnh sẽ quan tâm, chú trọng thực hiện tốt an sinh xã hội, các chính sách "tam nông", gắn với các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp là phải thay đổi mạnh mẽ từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp"", ông Anh nhấn mạnh.
Vùng trồng lúa công nghệ cao xã Buôn Choáh (Krông Nô) mang lại thu nhập ổn định cho người dân |
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, một trong những giải pháp trọng tâm nữa, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử