THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Ngày 20/12, tại Tượng đài N'Trang Lơng (Gia Nghĩa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng và khánh thành Tượng đài N'Trang Lơng.
Tham dự Lễ có các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí Thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Điểu K'ré, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng; lực lượng vũ trang; đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã về dự Lễ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Nhân dân tham dự buổi Lễ kỷ niêm
Ðọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí Thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ôn lại và tôn vinh những chiến công oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong suốt chiều dài ¼ thế kỷ (từ năm 1912 đến năm 1936) do N'Trang Lơng lãnh đạo, gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí Thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
110 năm trước, trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, đã diễn ra sự kiện mang tính chất và tầm vóc chấn động Đông Dương, với tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, lòng căm thù giặc Pháp xâm lược, gây ra cảnh "nước mất, nhà tan", vị thủ lĩnh N'Trang Lơng đã đứng lên lãnh đạo đồng bào M'Nông, S'Tiêng đứng lên chống Pháp. Trong suốt gần 25 năm khởi nghĩa (1912 - 1936), bất kể hoàn cảnh chiến đấu khó khăn nguy hiểm, N'Trang Lơng và nghĩa quân luôn nêu cao ý chí, không sợ hi sinh gian khổ, không đầu hàng thỏa hiệp với giặc. Kẻ thù càng hung hãn, tàn bạo thì cuộc chiến đấu của ông và nghĩa quân càng kiên quyết, mãnh liệt. Chính tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của N'Trang Lơng là nhân tố hàng đầu đã làm nên những chiến công oanh liệt của phong trào chống Pháp trên cao nguyên M'Nông.
Với những đóng góp to lớn, phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử các dân tộc Đông Dương nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Người anh hùng N'Trang Lơng với chiến thắng Bu Nor - Bu Mêra vang dội vào tháng 7/1914 đã làm cho phong trào khởi nghĩa phát triển, giải phóng một vùng cao nguyên rộng lớn khỏi ách thực dân, cổ vũ tinh thần đấu tranh không ngừng cho đồng bào yêu nước.
Ghi nhận, đánh giá cao tầm vóc lịch sử của Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng, ngày 01/12/1964, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bu Nor - Bu Mêra tại thủ đô Hà Nội, nhằm phát huy truyền thống bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy các giá trị tinh thần đó, ngày 27/7/2012, lần đầu tiên, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng, đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống N'Trang Lơng anh hùng.
Các Già làng, trưởng bon về dự Lễ
Năm 2022, tròn 110 năm Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng nổ ra. Lịch sử đã lùi xa hơn 1 thế kỷ, càng nhìn lại phong trào khởi nghĩa, chúng ta lại càng thấy rõ tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của phong trào và đóng góp to lớn của thủ lĩnh N'Trang Lơng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ý nghĩa của phong trào đã vượt ra khỏi phạm vi địa bàn Đắk Nông, Việt Nam mà còn mang tầm vóc quốc tế, ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh của Nhân dân Đông Dương. Phong trào đã gieo vào tâm thức đồng bào Tây Nguyên về ý thức đứng lên bảo vệ quê hương, đất nước, để khi có ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản, trở thành phong trào cách mạng tự giác, dẫn dắt đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày 30/4/1975 là cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của bọn phản động FULRO; đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Ghi nhớ công lao to lớn của N'Trang Lơng và nhắc nhở về những chiến công chống Pháp oanh liệt của đồng bào Tây Nguyên, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho các tầng lớp Nhân dân và thế hệ mai sau, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng công trình Tượng đài N'Trang Lơng.
Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Tượng đài N'Trang Lơng
Công trình tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng khởi công xây dựng vào năm 2015, tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, đây là một vị trí rất đẹp với chiều cao khoảng 650m so với mực nước biển, bao quát cả thành phố Gia Nghĩa. Khuôn viên tượng đài rộng gần 6 ha, tổng thể chiều cao tượng đài là 18,5m; chiều rộng là 27m; khối lượng đá phù điêu thành phẩm là 456,30 tấn. Công trình được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật, kỹ thuật, mỹ thuật và đã được Hội đồng nghệ thuật xếp hạng A - xuất sắc.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm
Việc xây dựng tượng đài N'Trang Lơng thể hiện sâu sắc sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Đắk Nông đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần cao đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; là sự chung tay, góp sức của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công trình có giá trị kiến trúc, mỹ thuật này.
Tầm vóc của công trình, với những giá trị cao về mặt nghệ thuật, kiến trúc, Tượng đài N'Trang Lơng đã tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh uỷ Ngô thanh Danh kêu gọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động tiến công, ý chí quật cường của hào khí khởi nghĩa N'Trang Lơng trong cuộc đấu tranh xóa bỏ tận gốc nghèo nàn, lạc hậu, những trở lực cho sự phát triển. Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt lên chính mình, sớm sánh bước cùng các tỉnh bạn trong khu vực; tạo những kết quả tiền đề quan trọng để đến năm 2025 đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực Tây Nguyên.
Song Nguyên