Phát động Cuộc vận động góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế
Publish date 04/09/2019 | 11:01  | View count: 3242

Cuộc vận động nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về vấn đề kinh tế. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Hiền Hòa)


Chiều 3/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế".

Dự Lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động;  Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong bức thư đề ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các "giới công thương Việt Nam", Bác đã khẳng định: "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng". Bức thư này Người đã xác định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước. Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị và ngày nay Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này. 

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành 3 Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

 

Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo nhấn nút phát động Cuộc vận động. (Ảnh: Hiền Hòa)

Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa thực sự phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Với quan điểm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Việc lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh", Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế".

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, "doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chính họ biết hơn ai họ cần gì, cơ chế, chính sách nào để họ có thể hoạt động tốt nhất và đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế đất nước".

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế". Tham gia Cuộc vận động này là hành động thiết thực của doanh nghiệp, doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dự và phát biểu tại Lễ phát động, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc phát động thi đua đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng trong thời kỳ hội nhập quốc tế; MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức trao giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam hàng năm nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; trao giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí" và với chức năng, nhiệm vụ được giao, MTTQ Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc giám sát ở nhiều lĩnh vực khác nhau... Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến  hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế" là một việc làm cụ thể thiết thực để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn Nghị quyết trung ương 5 khóa XII của Đảng.  

 

 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc phát động Cuộc vận động. (Ảnh: Hiền Hòa)

Đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh việc phát động Cuộc vận động, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách. Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn trong cuộc sống, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả và đạt kết quả cao hơn nữa.

Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Cuộc vận động này cũng thể hiện tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân được đề ra 74 năm trước.

Trong cuộc vận động này, mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. 

Tại Lễ Phát động, Ban Tổ chức đã công bố Thể lệ Cuộc vận động, theo đó: các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

 Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019.

Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất: Từ tháng 1 đến tháng 3/2020.

Lễ Tôn vinh và Trao giải dự kiến: Tổ chức vào tháng 4/2020. Ban Tổ chức sẽ trao 01 giải đặc biệt 300 triệu đồng; 3 giải nhất mỗi giải 100 triệu đồng; 5 giải Nhì, mỗi giải 50 triệu đồng; 10 giải Ba, mỗi giải 20 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng./.

Theo dangcongsan.vn