TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Vaccine vẫn được coi là “chìa khóa” trong cuộc chiến chống COVID-19
Ngày đăng 13/09/2021 | 10:33  | View count: 12341

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 hiện nay, vaccine vẫn đang được coi là "chìa khóa" giúp con người có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Đây cũng chính là lý do để hầu hết các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy những người chưa tiêm chủng khi mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần so với người tiêm đầy đủ. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy người tiêm đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh ít hơn gần 5 lần, trong khi nguy cơ nhập viện vì bệnh trở nặng cũng thấp hơn 10 lần so với người chưa tiêm. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua đưa ra thông báo bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với toàn bộ nhân viên liên bang, chủ lao động lớn và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, vaccine vẫn được coi là "chìa khóa" trong cuộc chiến chống COVID-19 trên thế giới

(Ảnh minh họa: GOV.UK) 

Australia cũng thông báo sẽ triển khai cấp "hộ chiếu vaccine quốc tế" để làm căn cứ chứng minh hiện trạng đã tiêm phòng COVID-19 cho người dân trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình mở cửa trở lại biên giới quốc gia, khuyến khích tiêm chủng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng mã QR thông qua một ứng dụng trên điện thoại từ tháng 12 theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tạo điều kiện cho người dân khi ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ xem xét sử dụng chứng nhận QR này ở trong nước cho các mục đích như du lịch hay tham gia các sự kiện.

Chính phủ Đức đang triển khai chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng quy mô lớn để khuyến khích những người dân vẫn còn do dự đi tiêm phòng COVID-19. Chiến dịch được thực hiện trong bối cảnh Berlin lo ngại tỷ lệ 62% người dân được tiêm phòng đầy đủ hiện nay là chưa đủ an toàn để giúp tránh được làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng vào mùa đông tới.

Trong khi đó, nước Anh lại thay đổi chiến lược khi quyết định bỏ kế hoạch bắt buộc mọi người dân ở vùng England phải trình "hộ chiếu vacicne" nếu muốn tham gia các sự kiện đông người như các buổi tập trung tại các câu lạc bộ đêm. Chính phủ Anh nhận thấy biện pháp trên là không cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ người đi tiêm phòng COVID-19 thời gian gần đây tăng đều đặn.

Liên quan đến tình hình số ca mắc COVID-19, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 13/9 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 360.917 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 225.436.382 ca, trong đó 4.643.291 ca tử vong và 201.973.917 ca đã được chữa khỏi.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 35.326 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 41.853.238 ca, trong đó 677.985 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 31.260 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này          33.263.428 ca, trong đó 442.898 ca đã tử vong.

Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 20.999.779 ca và số ca tử vong là 586.851 ca.

Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Anh với 7.226.276  ca, trong đó 134.200 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 29.173 ca.

Với 7.140.070 ca nhiễm, Nga theo sát Anh là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 192.749 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 18.554 ca nhiễm mới.  

Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (72.797.341 ca), vượt xa châu Âu  (56.817.975 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 50.272.274 ca  và Nam Mỹ với 37.249.244 ca. Châu Phi (8.112.579 ca) và châu Đại Dương (186.248 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất./.

Theo dangcongsan.vn