TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Thời gian qua, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận đó là biên chế ngành Giáo dục. Phần lớn các tỉnh, thành đều thiếu giáo viên, đặc biệt là bậc tiểu học, mầm non.
Tiết sinh hoạt ngoại khóa, chủ đề cho trẻ làm quen với mua bán ở Trường mầm non Tân Lập Thành, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Ảnh: Nguyễn Hiền |
Con số từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 72.827 giáo viên, trong đó 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương) mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS và thiếu 3.161 giáo viên THPT.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên, trong đó cơ bản là công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập. Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, hiện mặc dù có khoảng 20 văn bản dưới luật quy định về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, nhưng vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất với nhau. Và việc này không có cách nào khác là tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Về biên chế trong ngành Giáo dục, có một cách hiểu được xem là "cứng nhắc" trong quá trình thực hiện Nghị quyết tinh giản biên chế của Bộ Chính trị, đó là không tăng biên chế trong khi số học sinh vẫn tăng hàng năm, đặc biệt là các tỉnh, thành tăng dân số cơ học cao, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Do vậy, nhiều địa phương không còn cách nào khác phải tuyển dụng không đúng các quy định hiện hành, như hợp đồng chờ chỉ tiêu, đặc biệt là việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 diễn ra sáng 2/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 là giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy. Sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản. Tinh thần chung của Chính phủ là như vậy. Chúng ta nói giáo dục là quốc sách nhưng chưa lo đủ trường lớp, giáo viên để dạy 2 buổi/ngày cho học sinh. Phải cân đối nguồn lực để lo điều đó", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề biên chế và tinh giản biên chế giáo viên, được biết hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT rà soát báo cáo Chính phủ và cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tế lâu nay Bộ GD-ĐT không nắm được tình hình tuyển dụng giáo viên. Đến thời điểm này, dù chậm song cũng là lần đầu tiên Bộ này tiến hành rà soát đội ngũ, nắm số lượng giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, cung-cầu ở các địa phương… Đây là cơ sở để tiến tới việc triển khai vấn đề biên chế giáo viên, vấn đề đào tạo sư phạm theo quy hoạch.
Tiết học môn tiếng Anh ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Quảng Sơn (Đắk Glong). Ảnh: Nguyễn Hiền |
Để khắc phục tình trạng còn một số lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là việc một số địa phương có tăng trưởng "nóng" về quy mô học sinh do phát triển mạnh các khu công nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD - ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm học 2018 – 2019, ở một số tỉnh, cụ thể như tỉnh Đắk Nông, một số trường mầm non, tiểu học ở thị xã Gia Nghĩa vì thiếu giáo viên nên đang tranh thủ sự đồng thuận của phụ huynh, triển khai phương án huy động sức dân, xã hội hóa trả lương cho giáo viên hợp đồng. Việc này xem ra cần phải có lộ trình, thí điểm, không nóng vội vì chưa có quy định cụ thể về "xã hội hóa trả lương cho giáo viên ở trường công lập".
Theo đó, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD - ĐT thống nhất chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến năm 2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và tăng, giảm học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị. Qua đó tham mưu Chính phủ những giải pháp mang tính căn cơ, ổn định lâu dài.
Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 8593/VPCP-TCCV ngày 7/9/2018 yêu cầu giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Nông. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD – ĐT có biện pháp giải quyết ngay biên chế giáo viên còn thiếu tại các tỉnh Tây Nguyên, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng, chậm nhất là ngày 10/10. |
Theo Đắk Nông Online