Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín góp ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14
Publish date 25/10/2018 | 15:53  | View count: 8410

Sáng 25/10, các đại biểu Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14 đã có phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín đã tham gia góp một số ý kiến vào dự thảo Luật nói trên.

Đại biểu Võ Đình Tín góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14
 

Theo đó, đại biểu Võ Đình Tín tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra ngoài phạm vi khu vực Nhà nước. Điều này là cần thiết, vì trên thực tế tình hình tham nhũng ngoài phạm vi khu vực Nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài Nhà nước là phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và đồng bộ với Bộ luật Hình sự quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đối với Điều 30 của dự thảo Luật quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu Võ Đình Tín thống nhất cao với Phương án 2 của dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội là giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.

Theo Đại biểu Tín, phương án này đã thể hiện sự tăng cường hơn tính tập trung, đồng thời khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối của cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay. Phương án này cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức và hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu theo Phương án 1 của dự thảo Luật là giao cho cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy. Ngược lại, nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới; sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về "Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"

Liên quan đến vấn đề Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc, đại biểu Võ Đình Tín tán thành với Phương án 3 của dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu Tín cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Toà án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của mình. Song, trước khi chuyển cho Tòa án, cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để Tòa án phán quyết một cách chính xác. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, nếu theo Phương án này thì cần quy định về trình tự, thủ tục giải quyết riêng, đảm bảo tính chặt chẽ, tránh sự xáo trộn trong xã hội vì việc xác lập quyền sở hữu tài sản theo Phương án này liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp bảo vệ.

T.T