DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, bạo lực vẫn tái diễn ở Afghanistan,.. thì tinh thần hữu nghị, tình anh em và hợp tác truyền thống của ASEAN được thể hiện tại Đại hội đồng AIPA 42 có thể xem là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới trong tuần qua (23 – 29/8).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ Bế mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42. (Ảnh: baoquocte.vn) |
Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42), với chủ đề "Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới cộng đồng ASEAN năm 2025", đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến từ ngày 23 – 25/8 tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam.
Trên tinh thần hữu nghị, tình anh em và hợp tác truyền thống của ASEAN, vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng, Đại hội đồng AIPA 42 đã hoàn thành chương trình nghị sự, thông qua được nhiều Nghị quyết với sự đồng thuận cao. Theo Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam Pehin Dato Abdul Rahman Taib, Đại hội đồng AIPA 42 đã thông qua được Thông cáo chung, thảo luận về nhiều vấn đề đa dạng ở nhiều lĩnh vực, cùng nhau nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nghị viện; tái khẳng định cam kết của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng đến một môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng thịnh vượng chung ở khu vực. Ngoài ra, Đại hội đồng AIPA 42 cũng đã thông qua Nghị quyết về kết nạp nghị viện quan sát viên là Ukraine và Pakistan, qua đó mở rộng mạng lưới quan sát viên, tạo dựng và mở rộng mạng lưới ngoại giao nghị viện.
Tại Đại hội đồng AIPA 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ, trong đó có các phiên họp của các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tổ chức, Hội nghị Nữ nghị sĩ… Các nội dung Đoàn Việt Nam tham gia góp ý kiến đều được các Nghị viện thành viên AIPA hoan nghênh, đánh giá cao và tiếp thu, thể hiện tại Nghị quyết được thông qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ các ý kiến đóng góp của đoàn Việt Nam, trong đó đề xuất: Các Nghị viện thành viên AIPA cần tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Cần tích cực thúc đẩy và ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN triển khai các chương trình, kế hoạch và chiến lược về số trong ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm hệ sinh thái kỹ thuật số bao trùm, rút ngắn khoảng cách số. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, các vùng, miền nhằm đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN. Ngoài ra, cần khuyến khích các nguồn lực xã hội để phát triển hệ sinh thái số thông qua hình thức hợp tác công-tư, tạo môi trường vườn ươm doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp số. Đặc biệt, cần tạo điều kiện lồng ghép triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN vào các kế hoạch của từng quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nhằm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tăng cường các chính sách và khung pháp lý, ủng hộ các sáng kiến trong khuôn khổ các kênh hợp tác của ASEAN cũng như với các đối tác về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu, tạo lập niềm tin trong không gian số. Hạ tầng số hiện đại cùng với niềm tin số sẽ tạo ra một không gian mới rộng mở cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN. Trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19; đề nghị tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vaccine, thuốc và trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài
Kiểm tra nhằm phát hiện người mắc COVID-19 tại Pháp. (Ảnh: AFP) |
Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới khi số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Đến sáng 29/8, thế giới có tổng số 216.748.018 ca nhiễm và 4.507.840 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Ngày 25/8, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và vaccine phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới. Theo Trưởng Ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove, trong khoảng 4 tuần qua, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng.
Trong khi đó, giới chức y tế cộng đồng đều cho rằng chính những thông tin sai lệch đã làm gia tăng tâm lý hoài nghi về vaccine trên toàn thế giới.
Tiến sỹ Peter Marks, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), những thông tin sai lệch về vaccine là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Những thuyết âm mưu về vaccine hay các thông tin đồn thổi về nguy cơ của vaccine đã xuất hiện rất nhiều và được lan truyền dù đều là những thông tin sai sự thực. Không chỉ thông tin về vaccine, thông tin về thuốc điều trị COVID-19 cũng không ít tin sai lệch.
Giám đốc chi nhánh WHO ở Mỹ Latinh, Tổ chức Y tế liên Mỹ, cũng đã đưa kêu gọi người dân các nước Carribe "tỉnh táo," tránh mù quáng hành động theo những thông tin sai lệch dẫn đến quyết định không đi tiêm phòng.
An ninh tại Afghanistan vẫn bất ổn
Binh sỹ Anh và Mỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán tại khu vực sân bay Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn đang rất căng thẳng, đặc biệt tại khu vực sân bay Kabul. Vẫn còn hàng nghìn người tập trung tại đây để chờ được sơ tán, trong bối cảnh an ninh tại đây đang hết sức bất ổn sau hai vụ đánh bom liều chết khiến 169 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận là thủ phạm. Trên mạng xã hội Telegram, nhánh truyền thông Amaq thuộc IS xác nhận đối tượng đánh bom liều chết của tổ chức này "đã tiếp cận được đám đông phiên dịch và cộng tác viên, cùng với quân Mỹ tại Trại Baran gần sân bay Kabul và kích hoạt đai nổ".
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Zabihullah Mujahid-người phát ngôn chính của Taliban đã lên án hành vi đánh bom nhằm vào dân thường tại sân bay Hamid Karzai và cho rằng hai vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở khu vực mà các lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh. Một quan chức khác của Taliban cũng tuyên bố vụ tấn công là hành động khủng bố và phải bị toàn thế giới lên án, đồng thời đổ lỗi cho sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan là nguyên nhân dẫn đến vụ việc thương tâm này.
Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden thì tuyên bố, sẽ truy lùng và trừng phạt những kẻ khủng bố tiến hành vụ đánh bom. Quân đội Mỹ đang được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công có thể là tấn công bằng rocket hoặc đánh bom xe liều chết nhằm vào sân bay Hamid Karzai, đồng thời chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31/8.
Một loạt các nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ đã thông báo ngừng mọi hoạt động sơ tán tại sân bay Hamid Karzai. Liên hợp quốc ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500.000 người vào cuối năm 2021 đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn.
Ngày 28/8, Mỹ đã cảnh báo về một "mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng" gần sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul và kêu gọi công dân của mình rời khỏi khu vực này. Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã phát đi báo động an ninh khẩn cấp, trong đó nhấn mạnh: "Do xuất hiện một mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng, tất cả công dân Mỹ ở khu vực gần sân bay Kabul... nên rời khỏi khu vực này ngay lập tức". Trong cảnh báo, Đại sứ quán lưu ý mối đe dọa đối với "cổng phía Nam, trụ sở mới của Bộ Nội vụ và cổng gần cây xăng Panjshir ở phía Tây Bắc của sân bay".
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đánh giá tình trên thực địa tại Kabul tiếp tục tỏ ra "cực kỳ nguy hiểm".
Giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2020
Một cơ sở khai thác dầu tại Trainer, Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong phiên giao dịch ngày 27/8, giá dầu thế giới tăng 2% và khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng cả tuần cao nhất trong hơn một năm qua, khi các công ty năng lượng Mỹ bắt đầu đóng cửa các cơ sở sản xuất ở Vịnh Mexico trước một cơn bão lớn được dự đoán sẽ đổ bộ vào đây vào đầu tuần tới.
Tính chung cả tuần, với 4 phiên tăng giá và chỉ duy nhất 1 phiên giảm, giá dầu Brent tăng hơn 11%, còn giá dầu WTI tăng hơn 10% trong tuần qua. Đây đều là các mức tăng cả tuần lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm của cả hai loại dầu trên kể từ tháng 6/2020.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty cung cấp dữ liệu tiền tệ và giao dịch ngoại hối OANDA (Mỹ), cho biết các nhà giao dịch năng lượng đang đẩy giá lên cao trước đồn đoán về khả năng gián đoạn trong hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico. Bên cạnh đó, ông Moya cho rằng giá dầu cũng tăng lên khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể chưa vội nâng sản lượng trước tác động của biến thể Delta đối với nhu cầu năng lượng.
Các nhà sản xuất dầu ngày 27/8 đã ngừng hoạt động sản xuất chiếm 59% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico, khi một cơn bão lớn đang tiến về phía các mỏ dầu ở ngoài khơi của Mỹ.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần qua so với giỏ các đồng tiền chủ chốt sau các bình luận gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, ông Powell đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm rằng sự gia tăng lạm phát trong thời gian gần đây chỉ mang tính chất tạm thời. Quan chức này cũng không đưa ra thông điệp rõ ràng về thời điểm Fed sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản, mà chỉ nói việc này có thể diễn ra "trong năm nay".
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến cuộc họp ngày 1/9 của OPEC+, nhằm thảo luận kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong nhiều tháng tới.
Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh từ Mỹ và 5 quốc gia khác
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Ngày 28/8, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo sẽ tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) đối với những người đến từ 6 quốc gia trong đó có Mỹ kể từ ngày 30/8. 5 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa ra khỏi "Danh sách nước thứ ba an toàn về dịch tễ học" của EC bao gồm: Israel, Kosovo, Liban, Montenegro và Bắc Macedonia.
Theo quyết định trên, các quốc gia thành viên EU được khuyến cáo thực hiện cấm nhập cảnh với những người đến từ sáu nước trên, tương tự việc bãi bỏ quy định cho phép nhập cảnh không hạn chế đối với những người có mục đích không thiết yếu như du lịch hoặc kinh doanh.
Quy định trên được ban hành từ ngày 27/8, tuy nhiên sẽ được công bố chính thức vào ngày 30/8. Cả 6 quốc gia trong danh sách nêu trên hiện đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 đang tăng cao.
Danh sách các nước thứ ba an toàn về dịch tễ học gồm các quốc gia không thuộc EU hoặc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) được đánh giá là an toàn trong đại dịch COVID-19 căn cứ vào tỷ lệ lây nhiễm thấp và các thành viên EU được khuyến nghị mở cửa biên giới trở lại cho những người đến từ các khu vực trên với mục đích không thiết yếu.
Danh sách được xem xét lại vào lúc 0h hằng ngày và các thành viên EU không được phép cản trở việc áp dụng danh sách này.
Theo quy định nói trên, công dân Andorra, Monaco, San Marino và Vatican được tính là công dân EU.
Danh sách các nước thứ ba an toàn về dịch tễ học được EC công bố lần đầu vào ngày 30/6/2020 và lần gần đây nhất là ngày 15/7/2021./.
Theo chinhphu.vn